1.1. Đường bộ: toàn tỉnh có 8.186,6 km
Các tuyến liên kết vùng gồm có:
- Đường Xuyên Á (Quốc lộ 22): từ ngã tư An Sương đến cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, dài 59 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài 28 km với quy mô đường cấp II. Đây là tuyến chính và là tuyến ngắn nhất kết nối trực tiếp thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, rất thuận lợi cho vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu. Tuyến đang được UBND thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với quy mô: Đoạn từ Suối Sâu đến ngã ba giao giữa QL.22 với đường ĐT.782, dài 7 km được nâng cấp mở rộng 08 làn xe; đoạn còn lại được tăng cường kết cấu mặt đường để đảm bảo năng lực thông hành.
- Quốc lộ 22B: Từ Gò Dầu đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát dài 84 km, quy mô đường cấp III. Đây là trục chính của tỉnh từ Bắc xuống Nam, kết nối trực tiếp TP. Hồ Chí Minh với Campuchia qua cửa khẩu Xa Mát và Chàng Riệc, rất thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa.
- Các tuyến ĐT 782 - ĐT 784 - ĐT 785 chạy song song với QL. 22B và là trục chính nối TP. Hồ Chí Minh với Tây Ninh, đi qua các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu, Thành phố Tây Ninh và Tân Châu; Đồng thời, đi qua Khu công nghiệp (KCN) dịch vụ đô thị Phước Đông Bời Lời, Khu công nghiệp Chà Là, các cụm công nghiệp, nhà máy xi măng Fico Tây Ninh và các điểm du lịch (núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, Tòa Thánh Tây Ninh); đồng thời kết nối với cửa khẩu Chàng Riệc, Vạc Sa, Kà Tum. Tuyến đã được đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp II - III, mặt đường thảm bê tông nhựa, rất thuận lợi cho giao thông. Tuyến sẽ được tăng cường kết cấu mặt đường và mở rộng một số đoạn trong giai đoạn 2017 - 2020.
- Các trục ngang tỉnh: ĐT 787, đường Trà Võ - Đất Sét, đường Đất Sét - Bến Củi, ĐT 786, ĐT 781, ĐT 795, đường Bourbon, ĐT 788, đường Thiện Ngôn - Tân Hiệp, đường ĐT 794 kết nối trực tiếp với các trục dọc của tỉnh (đường Xuyên Á, Quốc lộ 22B, ĐT 782, ĐT 784, ĐT 785, ĐT 793). Đây là các tuyến kết nối Tây Ninh với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Long An; đồng thời kết nối trung tâm các huyện với nhau, kết nối vùng nguyên liệu về nhà máy, tạo mạng lưới đường bộ liên hoàn và thông suốt. Tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III - IV. Các tuyến đường này đã được quy hoạch và tỉnh Tây Ninh có kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020 bằng nhiều hình thức đầu tư: ngân sách nhà nước, đầu tư theo hình thức PPP.
* Định hướng phát triển:
- Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài từ đường Vành Đai 3 của TP. Hồ Chí Minh đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, dài 55 km. Bộ Giao thông Vận tải sẽ khởi công trước năm 2020.
- Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Gò Dầu - Xa Mát kết nối trực tiếp tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài tại Gò Dầu đã được Bộ GTVT đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để làm cơ sở đầu tư.
- Đường Hồ Chí Minh đã được Bộ GTVT đầu tư hoàn chỉnh giai đoạn 1 trước năm 2020, trong đó nút giao liên thông với đường Xuyên Á đang được đầu tư và hoàn thành trong năm 2018. Tuyến sẽ kết nối Tây Ninh với Bình Dương, Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Long An và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
1.2. Đường thủy
Tây Ninh có 617 km sông, kênh, rạch chảy trên địa bàn tỉnh và hồ Dầu Tiếng rộng 27.000 ha diện tích nước mặt, chứa hơn 1,5 tỷ m3 nước. Trong tương lai, giao thông đường thủy nội địa tỉnh Tây Ninh sẽ bao gồm:
- Sông Vàm Cỏ Đông: Ở phía Tây Nam tỉnh Tây Ninh, bắt nguồn từ Campuchia chảy qua địa phận hai tỉnh Tây Ninh và Long An, từ phía Bắc xuống phía Nam hợp với sông Vàm Cỏ Tây thành sông Vàm Cỏ rồi đổ ra biển, đoạn qua tỉnh dài 105 km. Quy hoạch có tuyến đường thủy nội địa Sài Gòn - Bến Kéo (từ ngã ba Kênh Tẻ đến cảng Bến Kéo) dài 142,9 km, đạt tiêu chuẩn cấp III. Nối tỉnh Tây Ninh với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phục vụ chính cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa của địa phương. Trên tuyến quy hoạch 13 cảng, trong đó:
+ Có 04 cảng đang khai thác, bao gồm: cảng Bến Kéo, cảng Thanh Phước (cảng hàng hóa), cảng xăng dầu LPG, cảng xi măng Fico (cảng chuyên dùng). Các cảng này có khả năng tiếp nhận phương tiện từ 1.000 tấn đến 2.000 tấn. Trong đó, cảng Thanh Phước là cảng container.
+ 02 cảng có nhà đầu tư: cảng hàng hóa Bourbon An Hòa (Thành Thành Công), cảng khu công nghiệp Đại An - Sài Gòn
+ 07 cảng đang kêu gọi đầu tư, bao gồm: cảng hàng hóa Tiên Thuận, Gò Dầu, Fico Thạnh Đức, Đìa Xù, Tri Việt; cảng chuyên dùng (xăng dầu): Trí Bình, Gò Dầu.
- Sông Sài Gòn: Bắt nguồn từ Tống Lê Chân đến TP. Hồ Chí Minh dài 101 km. Đoạn có thể khai thác vận tải bằng đường thủy nội địa từ ấp Lộc Thuận đến ranh giới huyện Củ Chi dài 3 km, với phương tiện 500 tấn; quy hoạch có 2 cảng hàng hóa Lộc Thuận, Bùng Binh.
- Ngoài ra còn có rạch Trảng Bàng, rạch Tây Ninh, rạch Bảo, rạch Bến Đá đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp IV, V, VI.
* Định hướng phát triển:
- Công bố các tuyến đường thủy nội địa đã được quy hoạch, trong đó: năm 2017 sẽ công bố tuyến đường thủy nội địa sông Vàm Cỏ Đông đoạn từ cảng Bến Kéo đến Vàm Trảng Trâu.
- Đã đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đưa vào Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh 3 cảng cạn, gồm:
+ Cảng cạn Thanh Phước: tại xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh; diện tích đến năm 2020 là 20 ha, đến năm 2030 là 30 ha; công suất đến năm 2020 khoảng 200.000 TEU/năm, đến năm 2030 khoảng 300.000 TEU/năm. Giai đoạn đầu tư: 2016 - 2020.
+ Cảng cạn ICD Mộc Bài: xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh; diện tích: 18,5 ha. Giai đoạn đầu tư: 2016 - 2020.
+ Cảng cạn ICD Thành Thành Công: xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; diện tích: 30 ha. Giai đoạn đầu tư: sau năm 2020.
- Nâng cấp 4 cảng thủy nội địa hiện hữu, xây dựng mới 2 cảng thủy nội địa (Bourbon An Hòa, Đại An - Sài Gòn) và kêu gọi đầu tư các cảng đã được quy hoạch.
1.3. Đường sắt
Để đáp ứng nhu cầu vận tải, đa dạng hóa các phương thức vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đã quy hoạch tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh (từ Tân Chánh Hiệp đến Trảng Bàng) kéo dài đến Mộc Bài và Xa Mát.