Giới chức, phản động Cao Đài, âm mưu câu kết với Pháp chống Việt Minh cũng được
công khai hóa. Chúng rải truyền đơn một mặt dựng trò lừa bịp là quân đội Cao Đài
chỉ dùng kế '' Hàn Tín trá hàng'' để lấy súng của quân Pháp rồi sẽ đánh lại
Pháp, mặt khác kêu gọi lãnh đạo Việt Minh giao chiến trường Tây Ninh lại cho
chúng.
Đồng thời, sau khi hiệp ước quân sự được ký kết
với Pháp, giới chức Cao Đài mời đại diện quân dân chính của chính quyền vào Tòa
thánh hội đàm. Tỉnh ủy cử đoàn đại biểu gồm đồng chí Nguyễn Hữu Dụ đại diện
Đảng, đồng chí Dương Minh Châu đại diện chính quyền, đồng chí Trần Văn Đẩu đại
diện quân sự. Trong hội đàm, đoàn đại biểu của chính quyền cách mạng đã trình
bày rõ quan điểm, lập trường đúng đắn của chính phủ Cụ Hồ là đoàn kết toàn dân
kháng chiến chống Pháp và bác bỏ hoàn toàn mọi yêu sách của giới chức Cao Đài
đưa ra.
Về phía thực dân Pháp, sau khi chuyển giao vũ khí
theo giao ước với Cao Đài, đã tiến hành ngay các cuộc càn quét lớn vào vùng hữu
ngạn sông Vàm Cỏ Đông. Chúng cho tàu chiến chở quân chạy cặp theo hữu ngạn sông
đổ quân lên nhiều điểm rồi đánh vào chiến khu của lực lượng kháng chiến ở Gò
Nổi, Cây Chò, Xóm Mía, Rừng Nhum... Dựa vào lực lượng lớn, chúng tổ chức bao
vây, chia cắt, lùng sục trong rừng, đốt nhiều nhà cửa, bắn giết trâu bò và cướp
bóc tài sản của nhân dân. Lúc này, các đại đội của chi đội 11 đã phân tán về các
địa phương. Nhưng các cơ quan chính quyền, Mặt trận tỉnh, huyện thì chưa kịp
phân tán nên bị tổn thất. Các trụ sở nhà ở bị giặc đốt sạch. Đồng chí Dương Minh
Châu, Chủ tịch ủy ban Tỉnh, cùng một số anh em rút ra rừng Cây Chò nhưng lại lọt
vào khu vực càn quét của địch nên đồng chí đã hy sinh.
Sau trận càn lớn này của quân Pháp, Tỉnh ủy đánh
giá âm mưu cấu kết giữa Pháp và Cao Đài đã bắt đầu thực hiện cụ thể, tình hình
đã chuyển sang một bước mới. Tỉnh ủy nhắc nhở các ngành, các cấp cần phải nghiêm
chỉnh chấp hành nghị quyết của Tỉnh ủy, tiến hành phân tán theo vùng, triệt để
giữ bí mật, bảo tồn và phát triển lực lượng, đồng thời hỗ trợ nhau khi cần
thiết. Tất cả các bộ phận phải dự trữ lương thực vật dụng, cất giấu chu đáo và
triệt để tiết kiệm từng hạt muối, trang giấy... Lực lượng quân sự phải gọn nhẹ
biên chế, phải củng cố đơn vị chiến đấu, chuẩn bị tổ chức chiến đầu phân tán,
tiết kiệm đạn dược, phải tìm cách lấy súng đạn của địch dự trữ, đảm bảo chiến
đấu lúc tình huống găng nhất và tạo điều kiện giúp đỡ cho du kích xã cùng hoạt
động chiến đấu.
Lực lượng phản động Cao Đài, sau khi yêu sách của
chúng bị bác bỏ, với quân số gồm nhiều tiểu đoàn do Pháp trang bị, chúng liên
tiếp mở nhiều cuộc càn quét truy lùng lực lượng cách mạng kháng chiến. Trận đầu
tiên là trận chúng đánh ra Bàu Cốt. Hôm ấy bọn Pháp đang càn
ở vùng Chà Là, Bàu Cốp thì lọt vào khu vực phục kích, bị chi đội 11 vây đánh và
sắp bị tiêu diệt thì được lực lượng phản động Cao Đài từ hướng Tòa Thánh đến
giải thoát.
Sau trận này, lực lượng phản động Cao Đài bắt đầu
tấn công vào căn cứ của văn phòng chi đội 11 đóng tại Bàu Chanh. Chúng định đánh
bất ngờ, bao vây và thọc sâu một mũi từ mặt trước vào lúc nửa đêm để chụp ban
chỉ huy đội, nhưng thất bại. Mấy ngày sau chúng lại tập trung lực lượng lớn bao
vây và tấn công vào căn cứ Bàu Chanh lúc 3 giờ chiều. Lần này chúng tổ chức bao
chặn và tấn công từ nhiều phía. Nhưng với ý thức cảnh giác cao và tinh thần sẵn
sàng chiến đấu, phân đội bảo vệ văn phòng và các bộ phận trực thuộc chi đội ở Bố
Bịch đã chống trả quyết liệt rồi rút ra khỏi vòng vây mà không bị tổn thất gì
đáng kể. Qua hai trận không thực hiện được ý đồ tiêu diệt bộ phận chỉ huy chi
đội 11, quân Cao Đài chuyển sang phối hợp với quân Pháp liên tiếp càn quét lấn
chiếm vùng căn cứ.
Lực lượng phản động Cao Đài tung hoành phá phách,
cướp phá, bắn giết khắp nơi. Chúng thường dùng thế đông, cứ 1 tay súng thì có
đến 5 - 7 tên tay không đi kèm làm con hôi, chia làm nhiều cánh, mỗi cánh từ 4 -
500 người đến l.000 người. Chúng biết rõ đường quanh ngõ tắt trong rừng, lại có
tai mắt của bọn phản động làm chỉ điểm, ngày đêm đánh phá liên tục biến thành
những tên cuồng tín không sợ súng đạn. Khi đụng lực lượng kháng chiến đánh trả,
chúng dùng thế đông người hò la, đạp xác nhau tràn tới, dùng những tiếng gào rú
man rợ để áp đảo tinh thần binh sĩ và nhân dân ta. Thời gian này chiến trường
Tây Ninh trở nên vô cùng nóng bỏng, ác liệt cả ngày lẫn đêm, nhất là ở cùng căn
cứ và vùng nông thôn quanh căn cứ. Ở các vùng này, quân phản động Cao Đài đánh
phá liên tục, triệt phá làng mạc, thực hiện chính sách ''tam quang'': giết sạch,
đốt sạch, phá sạch sau khi đã vơ vét tài sản của nhân dân không chừa một trái
bí, ngọn rau để gom về các thánh thất.
Ở huyện Châu Thành, chúng gom nông dân các xã
Phước Hội, Phan, Suối Đá,Thái Bình, Trí Bình, Hòa Hội, Thanh Điền và Toà thánh.
Ở Trảng Bàng, phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, chúng gom phần lớn dân các xã Long
Khánh, Long Giang, Long Thuận ra ''châu vi '' Thánh thất ở Bến Cầu; gom dân các
xã Đôn Thuận, Lộc Hưng, Phước Thạnh, Thạnh Phước... ra ''châu vi'' thị trấn
Trảng Bàng, thị trấn Gò Dầu.
Với chính sách ''tam quang'', chỉ trong một thời
gian ngắn, lực lượng phản động Cao Đài đã gom được chín phần mười dân trong tỉnh
vào ''châu vi '' các đồn bót lớn như Tòa thánh, Trường Hòa, Cầy Xiêng, Bùng
Binh, Cầu Ván, Tràng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu... Trong đó, nhiều nhất là khu vực
Tòa thánh có đến khoảng 4 vạn người, các ''châu vi '' khác có khoảng 300 đến 500
gia đình. Chính sách “Tam quang'' của lực lượng phản động Cao Đài đã làm cho
làng mạc quanh các khu căn cứ kháng chiến trở nên tiêu điều, xác xơ. Người chí
cốt với Cách Mạng thì đem gia đình ra chiến khu, người nửa chừng vào thị xã.
Không những thế, thủ đoạn gom dân vào "Châu Vi" các đồn bót của chúng còn tạo
nên sự ngăn cách giữa lực lượng kháng chiến và dân, cắt đứt liên lạc giữa nhân
dân vùng căn cứ và tín đồ trong các ''Châu vi''.
Đi đôi với biện pháp gom dân, lực lượng phản động
Cao Đài còn nhanh chóng biến các Thánh thất thành đồn lính, dân chúng bị tổ chức
thành ''ngũ gia liên bảo'' bao bọc, bảo vệ chung quanh, khiến cho chiến trường
Tây Ninh đến lúc này bên cạnh hệ thống đồn bót của Pháp, còn có thêm hệ thống
đồn bót của bọn phản động Cao Đài. Hệ thống đồn bót này tỏa rộng ăn sâu lên tận
vùng rừng và vào các khu căn cứ.
Quân phản động Cao Đài mở những cuộc lùng sục liên
miên vào các vùng rừng, tiến hành phục kích thường xuyên các ngã đường và tổ
chức các mạng lưới thông tin dây chuyền khắp các hành lang đầu mối giao liên của
lực lượng kháng chiến trong tỉnh. Chúng buộc dân phải dùng tiếng gọi con, tiếng
đuổi gà, dùng nhịp chày giã gạo, tiếng chày giã bàng... để báo hiệu cho đồn lính
Cao Đài gần đó biết là có người của kháng chiến đi qua, số lượng nhiều ít thế
nào, vũ khí ra sao. Những hành động trên được chúng tiến hành khẩn trương, liên
tục nhằm làm tê liệt mọi hoạt động kháng chiến, tiến tới tiêu diệt lực lượng
kháng chiến.
Với mọi yếu tố ưu thế lúc ban đầu, bằng biện pháp
''tam quang'', với mọi mưu mô thủ đoạn hiểm độc nhằm tiêu diệt lực lượng kháng
chiến Tây Ninh để độc chiếm Tây Ninh bọn phản động Cao Đài đã gây cho phong trào
kháng chiến Tây Ninh những khó khăn vô cùng to lớn. Thời gian 2 năm 1947 - 1948
là thời gian thử thách lớn đối với phong trào kháng chiến Tây Ninh. Cả cán bộ,
chiến sĩ, nhân dân đều phải đương đầu với sự bắn giết khốc liệt, đột phá dã man,
phải chịu đựng biết bao hy sinh gian khổ, do mưu mô và thủ đoạn ''dùng người
Việt đánh người Việt'', ''dùng tôn giáo đánh cách mạng'' của thực dân Pháp và
của bọn phản động đội lốt tôn giáo gây ra.
Để trụ được và từng bước đưa phong trào kháng
chiến ở Tây Ninh tiến lên, quân và dân Tây Ninh đã đối đầu với những thách thức
cam go.
Thời gian đầu chỉ có chi đội 11 chống trả với bọn
phản động Cao Đài và quân Pháp. Các cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt. Từ
năm 1946, quân Pháp tiến hành càn quét, đột phá liên miên, từ năm 1947, khi bọn
phản động Cao Đài nổi dậy, những cuộc càn quét, bao vây diễn ra với quy mô khốc
liệt hơn, không phải là hàng tháng, hàng tuần là là hàng ngày. Có đơn vị quân
kháng chiến trong vòng 1 ngày phải đối phó liên tục 5 trận ''vây tiêu'' của bọn
phải động, súng không kịp lau chùi, cơm không kịp ăn. Hầu hết các đơn vị đều
phải di động hàng ngày và không ít lần bị phục kích bất ngờ, lại phải chiến đấu
trong điều kiện hết sức khó khăn: đạn dược, gạo muối không có dự trữ, ăn uống
đói khát, ở không lều trại, ốm đau không có thuốc, quần áo không đủ mặc... Tuy
vậy, chi đội 11 vẫn bảo toàn lực lượng, dũng cảm vượt qua các khó khăn
phá được các thế bị động ban đầu, kìm chân và tiêu hao được địch, bảo vệ và giúp
đỡ nhân dân để bà con tạm ổn định đời sống.
Đến khoảng tháng 4 tháng 5 năm 1947, Bộ tư lệnh
khu 7 chính thức thành lập 3 liên quân A, B, C bao gồm nhiều đơn vị của các chi
đội 11, 12, 13, 15, 6, 5, 1 của các tỉnh miền Đông nhằm ngăn chặn sự phát triển
của lực lượng phản động Cao Đài ra các vùng khác.
Liên quân đã đánh một số trận lớn như: trận Tầm
Lanh (Phước Thạnh) của liên quân A đã diệt gọn đại đội phản động Cao Đài thu
toàn bộ vũ khí; trận Xóm Mới, Gia Bẹ, liên quân đã chống càn thắng lợi; các trận
Bàu Chanh, Bến Củi, Địa chủ, Sa Nhỏ, Xóm Trại, Ba Làng... đều diệt nhiều
địch.
Đến cuối năm 1947, các liên quân đã hạn chế được
nhiều tác hại do địch gây ra, ngăn chặn không cho chúng tràn qua các tỉnh khác.
Bọn phản động Cao Đài có gom được dân nhưng không chiếm được đất. Các liên quân
cũng tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực. của lực lượng võ trang Cao Đài. Tuy
nhiên, việc tập trung thành lập các liên quân dẫn đến nhiều khó khăn về mặt hậu
cần, nhiều địa phương bị bỏ trống, phong trào du kích chiến ở một số xã có chiều
hướng giảm sút. Các chi đội lần lượt rút về hoạt động trên địa bàn
cũ.
Đến cuối 1947, lực lượng chi đội 11 của Tây Ninh đã trưởng
thành, có nhiều kinh nghiệm trong việc chống, đánh bọn phản động Cao Đài và quân
Pháp. Các tiểu đội, trung đội trong các đại đội hoạt động ở địa phương đã gọn
nhẹ, tổ chức chiến đấu rất linh hoạt, phối hợp tốt với du kích trong các ấp làng
chiến đấu, từng bước xây dựng lại dân quân du kích các xã, phối hợp chiến đấu
chống giặc và bảo vệ nhân dân. Chi đội cũng mở rộng việc sản xuất vũ khí ở binh
công xưởng, đã sản xuất được lựu đạn phóng xa hàng trăm mét, nhờ đó có thể ngăn
chặn được bọn phản động từ xa.
Một sự kiện đặc biệt quan trọng trong thời gian
này là chính quyền cách mạng đã bắt đầu thực hiện chủ trương tạm cấp công điền,
ruộng đất của địa chủ phản động và đất của các sở cao su, đất hãng đường cho
nông dân nghèo, cho gia đình binh sĩ, cán bộ kháng chiến, và cho cả nông dân có
đạo giáo. Chính sách tạm cấp ruộng đất cho nông dân nghèo không những đã mang
lại niềm phấn khởi cao độ cho bà con nông dân, cổ vũ họ hăng hái tham gia phong
trào kháng chiến mà còn có ảnh hưởng sâu rộng tới binh sĩ địch, tới số nông dân
đang bị o ép trong các đồn bốt, các ''Châu vi” các thánh thất đạo Cao
Đài.
Lực lượng kháng chiến Tây Ninh vào thời gian này
đã vượt qua những thử thách lớn lao trong những năm đầu kháng chiến, đã trụ lại
được và từng bước củng cố tạo tiền đề cho sự phát triển vững chắc trong những
năm tiếp theo.