từ đó trong xã hội Tây Ninh bắt đầu xuất hiện một thành phần xã hội mới - công
nhân làm thuê lúc đầu số lượng chưa nhiều, có khoảng trên dưới 1.000 người,
trong đó hơn 2/3 là bán nông. Vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX, nhiều đồn điền
cao su lớn nhỏ ra đời trên khắp địa bàn Tây Ninh kèm theo các xưởng chế luyện
cao su Vên Vên, Bến Củi. Từ đó bên cạnh số đông nhà máy, xưởng chế biến và các
cơ sở tiểu thủ công nghiệp, xuất hiện một lớp công nhân đồn điền cao su. Khoảng
năm 1936, khi các đồn điền cao su mở rộng đến 8.622 ha, thì số lượng công nhân
tăng lên đến 3.500 bán công bán nông và 1.500 công nhân chuyên nghiệp. Đội ngũ
lao động mới này bị chính quyền thuộc địa và bọn chủ tư bản bóc lột tàn tệ,
trong đó có công nhân đồn điền cao su bị áp bức bóc lột tàn nhẫn nhất. Họ gồm có
dân tại chỗ và phu mỏ từ Trung, Bắc vào theo chế độ contrat vô cùng hà khắc. Họ
bị cảnh ngộ trói buộc, vừa phải lao động hết sức nặng nhọc, mỗi ngày từ 10 đến
14 tiếng đồng hồ, mà đời sống vô cùng cơ cực, cơm ăn không đủ no lại thiếu chất,
quần áo rách rưới, chỗ ở chật chội, nóng bức, bẩn thỉu, ốm đau không có thuốc,
không được đi điều trị ở bệnh viện, hết hạn contrat cũng không được trở về quê
nhà. Không những thế, bọn chủ, xếp cai, ký còn trút lên đầu họ roi vọt, cúp
phạt, tra tấn nếu bỏ trốn...
Dân Tây Ninh hấu hết là nông dân, chiếm trên 80%
dân số. Diện tích đất đai toàn tỉnh là 400.000 ha, trong đó có gần 200.000ha có
khả năng trồng lúa và các cây công nghiệp khác. Như vậy, so với dân số, Tây Ninh
lúc bấy giờ là nơi đất rộng người thưa, diện tích bình quân đầu người không nhỏ,
mà số ruộng đất bị địa chủ bao chiếm cũng không tập trung lắm. Tuy nhiên, các
vùng đất tốt, ruộng tốt hầu hết đều nằm trong tay bọn địa chủ, thương gia kiêm
địa chủ. Do đó người nông dân Tây Ninh thời thuộc Pháp cũng bị bóc lột hết sức
nặng nề thông qua các hình thức tô, tức, thuế, nợ, lãi... Riêng số nông dân tá
điền của số địa chủ lớn kiêm thầu gỗ còn bị bọn chúng bóc lột theo kiểu tư bản.
Với số tá điền có trâu khi xong mùa ruộng, chúng bắt buộc, (đôi khi mướn) họ
chuyển sang kéo gỗ ra bãi; đối với tá điền không có trâu thì chúng bắt đốn cây,
tiền công chúng trả thì vô cùng rẻ mạt.
Dưới sự thống trị của thực dân Pháp, trong xã hội
Tây Ninh, công nhân và nông dân là thành phần chủ yếu, ngoài ra còn có những
tầng lớp tư sản, địa chủ, trí thức, tiểu tư bản thành thị.
Tầng lớp tư sản ở Tây Ninh mà hầu hết là tư sản
nhỏ và vừa hoặc tiểu chủ nắm trong tay các cơ sở chế biến nhỏ, chủ yếu thuộc
ngành xay xát gạo (3) (toàn tỉnh có hơn 10 nhà máy xay xát gạo
với công xuất mỗi nhà máy là 5-10 tấn/ngày) và các xí nghiệp thủ công như xưởng
giấy, lò gạch, lò đường thủ công dùng che ép mía, xưởng ép dầu đậu phộng (có
bọng ép dầu), lò rèn, lò than... gồm nhiều tiểu chủ người Việt và tiểu chủ người
Hoa Kiều. Các tiểu chủ này bóc lột công nhân theo lối tư bản chủ nghĩa, đôi khi
còn dùng cách bóc lột siêu kinh tế của địa chủ, nhưng họ lại phải nộp thuế khá
nặng cho chính quyền thuộc địa, nên giữa họ và thực dân Pháp có những mâu thuẫn
nhất định.
Tầng lớp địa chủ là chỗ dựa của thực dân
Pháp trong việc cai trị nước ta nói chung, Tây Ninh nói riêng. Xâm lược và thống
trị nước ta, thực dân Pháp cố ý duy trì phương thức bóc lột phong kiến, duy trì
giai cấp địa chủ phong kiến làm chỗ dựa chính trị, xã hội của chúng. Đặc biệt,
đối với những tên địa chủ làm tay sai cho chúng, tham gia các ban hội tề xã,
nhất là bọn đầu tề hưởng cả, chúng cố tình làm ngơ để bọn này bao chiếm đất
ruộng công và đất ruộng của nông dân. Ngoài ra chúng còn cho bọn này làm chủ
thầu việc khai thác gỗ. Nguồn lợi đất đai và khai thác gỗ giúp cho bọn địa chủ
nhanh chóng trở thành tầng lớp giàu có và nắm nhiều quyền lực ở địa phương, và
bọn này trở lại đóng vai trò tay sai đắc lực cho thực dân Pháp trong việc siết
chặt bộ máy cai trị của chúng đến tận các xã nằm trong rừng sâu phía bắc tỉnh.
(4)
Sở hữu rộng đất của địa chủ ở Tây Ninh không tập
trung cao độ vào tay một số ít địa chủ kếch xù. Số địa chủ chiếm hữu từ 20 đến
50 ha là phổ biến, tuy nhiên vẫn có một số địa chủ và tổng lý chiếm hữu từ 100
ha trở lên. Bên cạnh số địa chủ thực thụ, còn có một số công chức và thương gia
kinh doanh ruộng đất, nhưng sở hữu ruộng đất của số người này không lớn, thông
thường khoảng 5-10 ha.
Tầng lớp trí thức tiểu tư sản mới hình thành sau
khi thực dân Pháp đặt ách cai trị, trong đó phần lớn là do Pháp đào tạo để phục
vụ cho bộ máy cai trị của chúng. Điều đáng nói là số lượng người Tây Ninh thi đỗ
Đốc phủ sứ quá nhiều so với yêu cầu của bộ máy cai trị địa phương, do đó một số
được bổ nhiệm đi các tỉnh khác hoặc vào các cơ quan cấp trên. Có được kết quả
như vậy có lẽ một phần do ý thức muốn ngoi lên địa vị xã hội cao của lớp người
có điều kiện đi học. Số người này khi đã thành đạt có nhiều gắn bó với chính
quyền thực dân, là làm lợi cho bọn thống trị ngoại bang.
Trong thời kỳ, thực dân Pháp thống trị, ở thị xã
tỉnh lỵ và một số thị trấn huyện lỵ hình thành một tầng lớp tiểu tư sản thành
thị gồm những tiểu thương, mua gánh bán bưng... và một lớp lao động thành thị
gồm thợ cắt tóc, phu kéo xe, phu xe thổ mộ, thợ sửa xe phu quét rác... Lớp người
này phải chịu đựng một cuộc sống cơ cực cùng với gánh nặng thuế khoá của chính
quyền thực dân.
Thời thực dân Pháp thống trị, Tây Ninh có 3 tôn
giáo lớn Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa và Đạo Cao Đài. Đạo Phật du nhập vào Tây Ninh
cùng với sự nhập cư của lưu dân người Việt từ thế kỷ XVII. Đến thời thực dân
Pháp thống trị, Đạo Phật tiếp tục tồn tại. Đạo Phật gắn liền với nhân dân địa
phương trong suốt tiến trình lịch sử khai mở đất đai và bảo vệ cuộc sống tự do,
độc lập. Nhiều vị công thần sau khi dẹp giặc xong, lại lui về lập chùa tu nguyện
cầu cho "Quốc thái dân an". Một số chùa Phật cũng là nơi ẩn náu để hoạt động
Cách mạng của những người yêu nước và của những cán bộ, Đảng viên Đảng cộng sản
sau này. Cho nên đạo Phật gần gũi với nhân dân địa phương, rất nhiều người
thường đi chùa lễ Phật vào các ngày lễ Phật giáo, các ngày rằm quan trọng trong
năm, mặc dù họ không phải là Phật tử, tăng ni.
Đạo Thiên Chúa ở Tây Ninh với cơ sở đầu tiên là họ
đạo Tha La do một số linh mục trốn chạy lệnh cấm đạo của Triều đình Huế lập ra
(5) họ đã phát triển mạnh sau khi Pháp đã
chiếm ba tỉnh miền Đông. Trong khoảng thời gian 1860-1878, họ đạo Tha La mở mang
xóm đạp đông đảo. Năm 1878, họ đạo Tha La cử linh mục (6) lên thành lập họ đạo ở thị xã Tây Ninh và
sau đó tiếp tục đi nhiều nơi trong tỉnh để thành lập các họ đạo khác. Một số
linh mục Thiên Chúa Giáo có quan hệ chặt chẽ với bọn xâm lược Pháp, giữ vai trò
khá đặt biệt trong việc giúp bọn thống trị, kìm hãm, cai trị nhân dân ta. Nhưng
nhìn chung, tín đồ Thiên Chúa Giáo cũng là người Việt Nam yêu nước, họ cùng
sống, cùng khổ trong xã hội thuộc địa của Pháp, đều chịu nhiều tầng áp bức, bóc
lột và căm thù giặc ngoại xâm. Cho nên ngoài số tín đồ bị địch mê hoặc, mua
chuộc, thật sự đã làm tay sai cho giặc chống đối Cách mạng ta, số tín đồ còn lại
đã cùng quần chúng địa phương chịu đựng gian khổ, tìm mọi cách giúp đỡ cán bộ,
ủng hộ Cách mạng, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân
tộc.
Đạo Cao Đài ra đời năm 1926 do một số quan lại địa
chủ xướng xuất thành lập và được thực dân Pháp cho phép. Họ bày ra việc lập đàn
cầu cơ, một biện pháp, thủ đoạn lừa mị kéo nông dân yêu nước không có sự lãnh
đạo đúng, bị đàn áp không lối ra. Họ cho đây là quốc đạo và giải thích rằng: tuy
thờ Thích Ca, Jêsu, Khổng Tử, Phật Bà Quan Âm, nhà văn Victor Hu go, Trạng
Trình, thi sĩ Lý Bạch đời Đường Trung Quốc nhưng đạo Cao Đài được sáng lập trong
nước chứ không phải từ ngoài du nhập vào. Khi cần họ cũng có thể lý giải quốc
đạo là đạo làm quốc sự. Trước mỗi thánh thất đều có treo hai câu đối nêu rõ :
’’Dân chủ mục’’ và ’’Tự do quyền’" (7), còn trong truyền miệng, người tín đồ nào
cũng được nghe câu: ’’Nước nhà Nam là của người Nam’’: trên thực tế, đó chỉ là
cách mị dân của một số lãnh tụ và chức sắc được phát xít Nhật, thực dân Pháp và
đế quốc Mỹ lôi kéo sử dụng để tranh giành ảnh hưởng quần chúng với Đảng ta. Nhờ
thủ đoạn đó, nên trong một thời gian ngắn đạo Cao Đài đã thu hút được hàng chục
vạn tín đồ.
Đối với tầng lớp chức sắc cao cấp trừ một số ít
còn có tinh thần yêu nước, còn đa số mượn danh nghĩa đạo để hoạt động nhằm mục
đích chính trị riêng. Họ đã tiếp tay với đế quốc chống lại cách mạng, đi ngược
lại quyền lợi của dân tộc. Quần chúng tín đồ tuy có bị họ lợi dụng để làm tay
sai cho giặc, nhưng tuyệt đại tín đồ là nông dân có tinh thần yêu nước và căm
thù bọn bóc lột, khi họ hiểu được lẽ phải, nhận ra kẻ thù cướp nước và bè lũ tay
sai nên đồng bào tín đồ sẵn sàng đi theo cách mạng, cùng toàn dân đứng lên đánh
đuổi bọn đế quốc và tay sai.