Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước căn cứ vào chương
trình của Chính phủ, của UBND tỉnh, ban hành Chương trình thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí hằng năm kịp thời, đủ các nội dung theo quy định, có
các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể gắn trách nhiệm của sở, ngành, huyện, thành phố;
trong đó có chỉ tiêu tiết kiệm về chi thường xuyên; Tăng cường tuyên truyền
pháp luật và thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
tại đơn vị; Rà soát các tiêu chuẩn, định mức và chế độ tài chính hiện hành
đang áp dụng tại cơ quan, đơn vị; xác định những công việc đã làm thời gian qua
nhưng chưa có tiêu chuẩn, định mức làm cơ sở kiểm soát, để tham mưu xây dựng
tiêu chuẩn, định mức trình cấp có thẩm quyền ban hành thực hiện.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các
sở, ngành rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, định mức trong sử
dụng kinh phí, tài sản công; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực sự
nghiệp công; dịch vụ công, đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, phù hợp quy định của Trung
ương và tình hình thực tế địa phương; Phối hợp Sở Tư pháp, các ngành liên quan
tham mưu kế hoạch tuyên truyền pháp luật về thanh tra, kiểm tra và tổ chức
triển khai thực hiện; đổi mới phương thức tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các
cơ quan, đơn vị về xây dựng Chương trình, kế hoạch về thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí và tổ chức thực hiện; Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với sở, ngành, huyện, thành phố theo
kế hoạch.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các
cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả việc sử dụng kinh phí
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội - nghề
nghiệp (được ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động), có giải pháp chuyển sang hỗ
trợ kinh phí theo nhiệm vụ do nhà nước đặt hàng.
Sở Thông tin Truyền thông có giải
pháp quản lý chặt chẽ kinh phí mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin (máy
tính, máy in, chương trình phần mềm…); chịu trách nhiệm khảo sát đánh giá nhu
cầu khai thác, sử dụng thiết bị công nghệ thông tin theo đề nghị của các cơ
quan, đơn vị trước khi tham mưu UBND tỉnh quyết định việc trang bị.
Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND
huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục
triển khai các biện pháp sắp xếp, điều chuyển hợp lý trang thiết bị thuộc lĩnh
vực giáo dục, y tế nhằm phát huy hiệu quả khai thác, sử dụng; thường xuyên kiểm
tra, kịp thời phát hiện, đề xuất phương án xử lý đối với các cơ sở vật chất
trường học, trạm y tế khai thác, sử dụng kém hiệu quả.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội có
giải pháp nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức dạy nghề cho lao động
nông thôn; Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu giải pháp tập trung
các nguồn lực hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, xây dựng mô hình hỗ trợ sản xuất
cho hộ nghèo đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối
hợp các đơn vị tham mưu UBND tỉnh trong quyết định đầu tư công trình xây dựng
cơ bản, cơ sở vật chất và trang thiết bị cần khảo sát, đánh giá đúng thực trạng
yêu cầu khai thác, sử dụng để xác định quy mô, kinh phí đầu tư phù hợp; Thực
hiện nghiêm các quy định về quản lý đầu tư công, xây dựng cơ bản, làm rõ trách
nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm; Tập trung xử lý dứt điểm nợ
đọng xây dựng cơ bản theo đúng quy định, không để phát sinh nợ mới; Rà soát các
dự án kéo dài nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp để có hướng xử lý.
Các sở, ngành, đơn vị theo chức năng,
nhiệm vụ được giao tiến hành rà soát, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm; Trường
hợp phát hiện lãng phí trong sử dụng tài sản, kinh phí ngân sách cấp phải kịp
thời báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên hoặc UBND tỉnh thông qua Sở Tài chính để
có hướng khắc phục, xử lý.
UBND huyện, thành phố, xã, phường,
thị trấn tập trung rà soát, đánh giá lại công năng, hiệu suất sử dụng đối với
các công trình, dự án được đầu tư theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới để có
biện pháp khai thác đầy đủ, tránh lãng phí.
Mộng Tâm