Để hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. UBND tỉnh ban hành báo cáo số 259/BC-UBND về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch kinh tế - xã hội 3 tháng cuối năm 2020 tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch năm. Tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, nhất là tăng cường chỉ đạo tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng có nguy cơ cao để kiềm chế, đẩy lùi đại dịch, tạo điều kiện khôi phục và phát triển kinh tế; khẩn trương tháo gỡ khó khăn, xử lý kịp thời tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế trên địa bàn.
Triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng đối với khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TTNHNN ngày 20/5/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn của các chủ đầu tư liên quan đến quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường ...; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là các dự án trọng điểm. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, đảm bảo hoàn thành mục tiêu "đến cuối năm 2022 đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao". Theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường vật liệu xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo mặt bằng giá thị trường; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá, ép giá.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh thu ngân sách, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán, để có thêm nguồn thu cho đầu tư phát triển, chú ý đánh giá, phân tích cụ thể tình hình thu ngân trên địa bàn quản lý từng khoản thu, sắc thuế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết. Triển khai thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; kịp thời xử lý các sai phạm, lợi dụng tình hình thị trường có biến động để tăng giá bất hợp lý, các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả.
Nội dung chi tiết xem tại đây. Tải về
259 bc.signed.pdf