Di tích lịch sử - Thắng cảnh
Thứ 5, Ngày 10/08/2017, 09:00
1. Khu Di tích lịch sử Văn hóa - Danh thắng và du lịch núi Bà Đen
Khu Di tích lịch sử Văn hóa - Danh thắng và du lịch Núi Bà Đen là quần thể di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Nam Bộ. Nằm cách thành phố Tây Ninh 11 km về hướng Đông Bắc, quần thể di tích Núi Bà trải rộng 30 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo - núi Phụng - núi Bà Đen. Với chiều cao 986 m, núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam Bộ, nhìn từ xa như chiếc nón lá úp với hệ thống hang động hoang sơ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mang trong mình truyền thuyết Bà Đen linh thiêng. Nằm rải rác từ chân núi lên đến đỉnh núi Bà Đen là hệ thống quần thể kiến trúc công trình tôn giáo: điện thờ, chùa, miếu, tháp... phản ánh những đặc trưng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Trong đó, nổi bật là chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự) hay còn gọi là chùa Thượng và Điện Bà bên cạnh, nơi đặt bức tượng Bà Đen bằng đồng trong một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành am động. Ngoài ra, còn có một số ngôi chùa khác như: chùa Phật với tượng Phật nhập Niết bàn, chùa Hang (Linh Sơn Long Châu tự), chùa Trung (Linh Sơn Phước Trung tự). Đan xen với hệ thống chùa là rất nhiều hang động: động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, hang Gió, hang Rồng... Dưới chân núi là Khu Du lịch Văn hóa Núi Bà với nhiều khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, nhà nghỉ. Trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc, núi Bà Đen đã từng là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của quân và dân ta. Để ghi nhớ khoảnh khắc lịch sử oai hùng đó, Khu di tích đã trùng tu và xây dựng 2 địa điểm trưng bày một số hiện vật và hình ảnh về các cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng, đó là động Kim Quang và Bảo tàng dưới chân núi. Từ năm 2013, hệ thống cáp treo công nghệ Châu Âu đã vận hành song song với hệ thống cáp treo trước đây và kết hợp với hệ thống máng trượt hiện đại, phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, khám phá của du khách, tạo nên một điểm du lịch tâm linh, dã ngoại thú vị. Hàng năm, cứ mỗi dịp xuân về, nhất là ngày rằm tháng Giêng, Khu di tích thu hút khoảng 2,5 triệu du khách trong và ngoài tỉnh hội tụ về khu vực núi Bà Đen để tham quan du lịch, hành hương và lễ bái, đặc biệt là Lễ hội Động Kim Quang, Lễ vía Bà Đen, Hội xuân núi Bà Đen… luôn để lại trong tim từng du khách một núi Bà Đen hoang sơ, hùng vĩ nhưng không kém phần linh thiêng về truyền thuyết Bà Đen. Đến năm 2020, Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen phấn đấu hoàn chỉnh cơ cấu khu du lịch, một số dự án trọng điểm và mũi nhọn. Đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen cùng với Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng và thành phố Tây Ninh trở thành các điểm đến lý tưởng cho du khách sau khi hoàn thành các dịch vụ vui chơi giải trí như: Khu trường bắn, Khu cảnh quan gắn với Trung tâm đô thị, Khu tổ hợp du lịch Ma Thiên Lãnh, Khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp, Khu cắm trại và các hoạt động dã ngoại, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, Khu vườn thực vật và bảo tồn gen, Trường đua xe mô tô và ô tô địa hình, Làng văn hóa Khmer Suối Đá - Khedol và Khu dịch vụ giải trí trên đỉnh núi. 2. Tòa Thánh Cao Đài Tọa lạc trong khuôn viên rộng 01 km2, thuộc huyện Hòa Thành, cách thành phố Tây Ninh khoảng 5 km về hướng Đông Nam, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh là nơi điều hành toàn bộ các hoạt động của Đạo Cao Đài. Được khởi công xây dựng từ năm 1931, hoàn thành vào năm 1947, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh được xem là Tổ Đình, là nơi khai sinh Đạo Cao Đài, một tôn giáo xuất xứ ngay tại Tây Ninh. Về mặt kiến trúc tổng thể, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh có thể xem như một Trung tâm tâm linh tôn giáo của Đạo Cao Đài với các cơ sở vệ tinh liên quan của Đạo là 03 Cung (Trí Huệ Cung, Trí Giác Cung và Vạn Pháp Cung), ao Thất Bửu, vv… Trong đó, phải kể đến chợ Long Hoa nổi tiếng buôn bán sầm uất từ bao đời nay trên vùng thánh địa Tây Ninh, là nơi cung cấp thực phẩm rau quả, thức ăn chay chủ yếu cho vùng Tòa Thánh và cư dân địa phương, là vùng có lượng người ăn chay lớn nhất Việt Nam. Khuôn viên nội ô Tòa Thánh có nét kiến trúc tôn giáo độc đáo, được liên thông bởi những con đường rộng thênh thang, đầy bóng mát của khu rừng tự nhiên tạo nên một công trình nghệ thuật hoành tráng, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc dân tộc và kiến trúc phương Tây nhưng không mất đi dáng vẻ huyền bí của phương Đông, đó là các công trình tôn giáo như: Đền Thánh, Đền thờ Phật Mẫu, cửa Chánh môn, sân Đại Đồng Xã, khu rừng thiên nhiên tồn tại hằng trăm năm, Tòa Nội chánh, Nam Đầu Sư Đường, Giáo Tông Đường, Hiệp Thiên Đài, Nữ Đầu Sư Đường, Bá Huê Viên, Trai Đường… phục vụ cho hoạt động tôn giáo của Đạo Cao Đài. Nổi bật nhất là Đền Thánh với ngôi tòa dài 135 m, rộng 27 m, cao 36 m là nơi thờ phượng Đấng Chí Tôn (tức Ngọc Hoàng Thượng Đế), các vị Giáo chủ Tam Giáo và Ngũ Chi Đại Đạo, cùng các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật. Khu vực Bát Quái Đài thờ Thượng đế với biểu tượng Thiên Nhãn nằm trên quả càn khôn có 3.072 vì tinh tú… Hoạt động tín ngưỡng tôn giáo và nghệ thuật đặc sắc tập trung chủ yếu trong các lễ hội chính như: Lễ vía Đức Chí Tôn vào mùng 9 tháng Giêng, Hội Yến Diêu Trì Thánh Mẫu vào rằm tháng tám Âm lịch hàng năm. Ngoài ra, các sinh hoạt tôn giáo hàng ngày với các Lễ cúng Thời cũng là nét đặc sắc tại Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh …. tất cả sẽ tồn đọng mãi trong ký ức của từng du khách một hình ảnh đẹp, khó phai khi đến chiêm bái, tham quan nội ô Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, dù chỉ một lần trong đời. 3. Di tích căn cứ Trung ương Cục Miền Nam Được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt với diện tích 70 ha, cách trung tâm thành phố Tây Ninh 64 km, Di tích căn cứ Trung ương Cục Miền Nam là nơi được người dân Việt Nam trân trọng, ghi dấu thời gian như một nhân chứng lịch sử hào hùng trong cuộc kháng chiến ở miền Nam - Việt Nam. Là nơi trú đóng của các cơ quan đầu não trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam. Đến đây, du khách sẽ được nghe thuyết minh về quá trình xây dựng và phát triển Khu căn cứ cũng như phong trào cách mạng miền Nam qua các thời kỳ; ngắm nhìn nhà lá đơn sơ cùng những hiện vật bình dị như bàn làm việc mộc mạc của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt… những cuốn sổ ghi công tác với nét chữ nắn nót, chiếc bình toong, chiếc bật lửa được làm bằng vỏ đạn, chiếc lược được làm từ mảnh xác máy bay… tất cả được tái hiện sống động nhất để du khách được sống lại ký ức về sự kiên cường, bất khuất của quân và dân Tây Ninh trong kháng chiến. Đây là địa điểm du lịch về nguồn không thể thiếu khi du khách đến tham quan và khám phá tại Tây Ninh. 4. Di tích căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam Được công nhận Di tích cấp quốc gia với diện tích 30 ha, Khu Di tích căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc khu vực suối Chò, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, một trong những nơi Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã từng trụ bám giữa lòng nhân dân, đất nước mà tập hợp lực lượng toàn dân trong kháng chiến. Tại đây, du khách có thể thấy tận mắt những nơi ở và làm việc của Ủy ban Trung ương Mặt trận, những văn phòng, hội trường, nhà ăn và bếp Hoàng Cầm. Theo những lối mòn len lách qua những bụi tre và cây rừng lúp xúp là những ngôi nhà của cố Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Bác sĩ Phùng Văn Cung và đồng chí Võ Chí Công, các Phó chủ tịch Mặt trận. Đến Khu Di tích Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, du khách sẽ được sống lại những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc. Ngoài ý nghĩa về mặt khoa học, lịch sử, Khu di tích còn mang ý nghĩa về cảnh quan môi trường, bởi đó là những ví dụ sinh động nhất về hệ sinh thái rừng nhiệt đới. 5. Di tích căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Là Di tích cấp quốc gia với diện tích 60 ha, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 42 km, Khu Di tích căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam trước đây là nơi đóng quân của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam - Việt Nam, nơi đây đã lưu lại chiến tích vẻ vang trong việc giành lại độc lập của dân tộc. Đến đây, du khách sẽ thấy các ngôi nhà làm từ cây rừng được đẽo vạc thành cột vuông. Cây tròn liên kết thành kèo, rường, xiên trính nhưng buộc bằng dây rừng theo kiểu kiến trúc nhà dân gian truyền thống. Hành lang là vách lửng, ngoài là lan can gỗ hình chữ nhân (X), mái nhà được làm từ lá trung quân, một loại lá có thể chịu đựng được lửa đạn, chở che cho người chiến sĩ cách mạng trong cuộc kháng chiến tại miền Nam - Việt Nam. Dưới bóng cây cao, từng vệt nắng lung linh rọi xuống mái lá trung quân óng ả, những mái lá ấy cùng với những con đường ửng màu rêu xanh sẽ là một bức tranh đầy màu sắc tuyệt vời của Khu di tích. 6. Di tích Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục Miền Nam Là Di tích cấp quốc gia với diện tích 36 ha, tọa lạc tại ấp Bảy Bàu, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, cách thành phố Tây Ninh khoảng 50 km. Di tích Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục Miền Nam là một trong những địa chỉ đỏ lưu giữ, tôn vinh những giá trị lịch sử minh chứng cho quá trình chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo và trưởng thành không ngừng của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Ngày nay, Di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam là điểm đến không thể thiếu trong hành trình về cội nguồn của các thế hệ người Việt Nam, cũng như du khách đến tham quan, du lịch tại Tây Ninh. 7. Tháp cổ Bình Thạnh Được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật - di tích lịch sử văn hóa, tọa lạc tại ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, Tháp cổ Bình Thạnh có niên đại xây dựng khoảng thế kỷ VIII, là một trong những kiến trúc tháp cổ quý hiếm, tồn tại gần như nguyên vẹn, tiêu biểu cho kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo. Đây là ngôi tháp duy nhất còn tường đá nguyên vẹn, do vậy kiến trúc Tháp cổ Bình Thạnh đã trở thành hiếm hoi và quý giá trong di sản kiến trúc dân tộc. Từ đền Tháp cổ Bình Thạnh và các phế tích đền tháp đương đại, chúng ta có thể tìm hiểu về tôn giáo tín ngưỡng và tâm linh người xưa cũng như phong tục tập quán và đời sống văn hóa. Do vậy, kiến trúc đền Tháp cổ Bình Thạnh mang giá trị lịch sử - văn hóa - kiến trúc - nghệ thuật có sức cuốn hút về mặt tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học rất lớn đối với du khách trong nước và quốc tế. 8. Di tích Chiến thắng Tua Hai Được công nhận Di tích lịch sử văn hóa với diện tích 39 ha, Di tích Chiến thắng Tua Hai thuộc ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, cách thành phố Tây Ninh 7 km về hướng Bắc. Đến đây, du khách sẽ tìm lại được cảm giác về nguồn, vừa thư giãn tinh thần, hòa mình với thiên nhiên vừa nhớ lại lịch sử hào hùng của dân tộc khi được ngắm nhìn, tìm hiểu nguồn gốc từng hiện vật, tranh ảnh về cuộc sống chiến đấu, sinh hoạt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến tại miền Nam - Việt Nam… tất cả sẽ được tái hiện chân thật nhất trong tim từng du khách trong hành trình về nguồn tại Di tích chiến thắng Tua Hai.
9. Di tích lịch sử Bời Lời - Căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Tây Ninh Là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia với diện tích 146 ha, Di tích lịch sử Bời Lời - Căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Tây Ninh thuộc ấp Sóc Lào, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cách trung tâm thị trấn Trảng Bàng 16 km. Được khoanh vùng trên diện tích 40 ha, tái hiện Di tích lịch sử cách mạng miền Nam. Bời Lời là trung tâm đầu mối vào căn cứ Bắc Tây Ninh qua các cuộc kháng chiến. Nơi đây là biểu tượng, là tiếng nói của lịch sử, chứng minh sự bất khuất, kiên cường của quân và dân Tây Ninh qua chiến tranh giải phóng. Là khu căn cứ nổi tiếng cả nước, và quốc tế biết tên không chỉ qua địa danh trên bản đồ mà còn qua những kỳ tích không thể mờ phai trong ký ức của cuộc kháng chiến tại miền Nam - Việt Nam. Trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành trung tâm Di tích lịch sử văn hóa có quy mô lớn, nằm trong quần thể Di tích lịch sử cách mạng miền Nam nối liền với Di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng Địa đạo Củ Chi, Đền thờ Bến Dược. 10. Tháp Chót Mạt Là Di tích lịch sử văn hóa, Tháp Chót Mạt được phát hiện vào đầu thế kỷ XX, tọa lạc tại ấp Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đây là công trình kiến trúc của nền văn minh Óc Eo, và là một trong ba tháp cổ cuối cùng còn lại ở vùng Nam Bộ. Trải qua các đợt trùng tu tôn tạo, khu Di tích Tháp Chót Mạt đã mang một diện mạo mới nhưng vẫn giữ nguyên từng đường nét kiến trúc cổ kính. Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành, dạo bước trong khuôn viên huyền bí như tái hiện lại một nền văn minh đã từng phát triển rực rỡ trong quá khứ. 11. Đền Thờ Quan Lớn Trà Vong Đền thờ quan lớn Trà Vong tọa lạc tại ấp Mõ Công, huyện Tân Biên, một địa danh gắn liền với công trạng ba anh em nhà họ Huỳnh: Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ là các quan đại thần vào trấn nhậm chức vùng đất Tây Ninh. Ba ông cùng với đội binh mã của triều đình thực hiện việc di dân khai hoang lập ấp và giữ gìn an ninh ở vùng đất biên cương. Để tưởng nhớ công ơn của 3 anh em nhà họ Huỳnh và các nghĩa binh trong việc khẩn hoang lập ấp và giữ gìn bờ cõi, biên cương của tổ quốc, nhân dân trong vùng đã kính trọng tự lập các đền thờ, dinh miếu ở nhiều nơi và được gọi chung là Đền thờ quan lớn Trà Vong. Hàng năm vào các ngày 16 và 17 tháng 3 âm lịch tại các đền, nhân dân địa phương tổ chức cúng lễ tưởng nhớ đến quan lớn Trà Vong rất trang trọng. Nhiều nơi tổ chức cả hát bội và các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian phong phú mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.
Lượt người xem: Views:
45692
Bài viết:
Di tích lịch sử
;#Di tích lịch sử;#
|