![]() |
Đại biểu phát biểu trong buổi hội thảo |
Đại biểu Trần Đình Long- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội cho rằng “quyền giám sát tối cao của Quốc hội” là yếu tố cấu thành quyền lực Nhà nước, không thể tách rời với quyền lực Nhà nước. Thực hiện quyền giám sát tối cao chính là Quốc hội thay mặt nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước do nhân dân giao cho. Đối tượng giám sát của Quốc hội không những tập trung vào cơ quan Nhà nước cao nhất ở Trung ương mà khi cần thiết Quốc hội còn tiến hành giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Đại biểu Chu Sơn Hà - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội nhấn mạnh đến cơ sở pháp lý, thực tiễn công tác giám sát của Đoàn ĐBQH, trong đó nêu rõ mục đích giám sát là nhằm bảo đảm cho hoạt động của các tổ chức Nhà nước, tổ chức kinh tế và công dân đúng pháp luật, bảo đảm các chính sách về dịch vụ công ở địa phương, do các cơ quan có thẩm quyền ban hành được thực thi có hiệu quả. Đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị: Cần quy định rõ địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH các địa phương; từng bước tiến tới chuyên nghiệp hoá ĐBQH, hạn chế số đại biểu kiêm nhiệm, giảm thành viên của các cơ quan hành pháp, tư pháp tham gia Quốc hội; sớm ban hành hướng dẫn cụ thể cơ chế mời các chuyên gia tham gia Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH…
Đại biểu Lương Phan Cừ - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội như: Rà soát quy định của pháp luật để có thông tin đầy đủ, kịp thời hơn; hoàn thiện quy định nhằm đảm bảo việc theo dõi, theo đuổi thực hiện kiến nghị của giám sát; quy định các hình thức trả lời kiến nghị giám sát; quy định phân rõ cơ sở tiến hành các hình thức giám sát thường xuyên, chuyên đề, vụ việc.
Tiến sĩ Vũ Đức Khiển làm nóng buổi hội thảo khi nêu những bất cập trong chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH. Theo ông Khiển, Điều 19 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội quy định cụ thể, chi tiết việc trả lời chất vấn tại phiên họp UBTVQH, nội dung điều luật này không những trái với quy định tại Điều 98 Hiến pháp năm 1992, mà còn không thống nhất với quy định tại Điều 4 Luật tổ chức Quốc hội. Đề cập đến việc bỏ phiếu tín nhiệm, TS Vũ Đức Khiển kiến nghị phải rà soát lại tất cả những quy định về bỏ phiếu tín nhiệm trong pháp luật hiện hành, kể cả Nghị quyết số 35/2012/QH13 và dự thảo Nghị quyết của UBTVQH hướng dẫn thi hành Nghị quyết này. Có như thế thì quyền hiến định của Quốc hội về bỏ phiếu tín nhiệm đối với những chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn mới có tính khả thi.
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai - nguyên Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng mặc dù đã có luật nhưng trong hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn nhiều hạn chế. Hoạt động giám sát trong thời gian qua là khâu yếu nhất trong hoạt động Quốc hội. Giám sát Quốc hội mang tính quyền lực, phải khác với giám sát của các cơ quan khác, tuy nhiên ĐBQH vẫn còn đơn độc trong giám sát, chưa có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp. Quốc hội thông qua hoạt động chất vấn để giám sát, các ngành có trả lời nhưng thường là chưa đến nơi đến chốn, cụ thể như lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng, sự an toàn, sức khoẻ, tính mạng người dân vẫn treo lơ lửng… Có cử tri nhận định giám sát Quốc hội chỉ là cuộc dạo chơi, chỉ có giá trị trong các buổi tiếp xúc, sau đó chuyện ai nấy làm. “Hậu giám sát” còn bỏ ngỏ nhiều vấn đề, chưa kết luận, chẳng hạn như lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản bằng ngân sách Nhà nước còn dàn trải. Qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, có nhiều đợt giám sát vẫn chưa biết kết quả, gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận và những ý kiến, kiến nghị của Đoàn giám sát chưa được xử lý đến nơi đến chốn.
Mặc dù vậy, tại hội thảo cũng có một số ý kiến “lạc quan” cho rằng hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua đạt kết quả khá tốt. Vì dưới tác động của hoạt động giám sát, các đối tượng được giám sát phải xem lại mình để chấn chỉnh. Đây là hiệu quả tích cực của việc giám sát.
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc