Bộ LĐ-TB&XH trả lời cử tri Tây Ninh: Chuẩn nghèo mới ban hành phù hợp với tình hình thực tế

Thứ sáu - 16/11/2012 00:00 75 0
Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã trả lời một số ý kiến của cử tri Tây Ninh về các vấn đề liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp xã hội và chuẩn nghèo.

Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hùng Việt tặng quà cho người nghèo tại huyện Trảng Bàng.

 Theo Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, tại các cuộc tiếp xúc, cử tri kiến nghị: Điểm b, khoản 2, Điều 9 Thông tư 32/2010/TT-BLĐTBXH về hưởng bảo hiểm thất nghiệp quy định: người lao động bị thất nghiệp phải nộp đầy đủ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp. Thời hạn này là quá nhanh đối với người lao động bởi họ còn lệ thuộc vào việc trích nộp BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động và việc xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan BHXH. Cử tri kiến nghị tăng thời hạn nộp hồ sơ lên 30 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp.

Về vấn đề trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, ngày 28.12.2011, Bộ có Tờ trình Chính phủ số 69/TTr-BLĐTBXH về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12.12.2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó thời hạn đăng ký thất nghiệp dự kiến sẽ mở rộng từ 7 ngày (tính theo ngày làm việc) lên 3 tháng (tính theo dương lịch) kể từ ngày mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc chủ động tìm kiếm việc làm mới, có thêm thời gian tìm hiểu về các quyền và nghĩa vụ khi đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp và tạo điều kiện cho người lao động chuẩn bị đầy đủ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Cử tri Tây Ninh cũng kiến nghị: Theo Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06.5.2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định trợ cấp hàng tháng cho những người hưởng trợ cấp mất sức lao động có đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động; quy định như vậy thiệt thòi cho những người có đủ 10 năm đến dưới 15 năm công tác thực tế. Đề nghị Chính phủ điều chỉnh sửa đổi giảm thời gian công tác thực tế xuống từ 10 năm đến dưới 15 năm để những người mất sức lao động (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, để góp phần ổn định cuộc sống của những người đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động, tuổi đã cao và có nhiều năm công tác, sau khi lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06.5.2010 giải quyết trợ cấp hàng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động và hết tuổi lao động. Việc quy định giải quyết đối với những người đã hết tuổi lao động và có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế nhằm đảm bảo tương quan giữa các nhóm đối tượng và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Trả lời kiến nghị nâng mức trợ cấp đối với người cao tuổi vì mức trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14.01.2011 còn thấp so với giá cả thị trường hiện nay; Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Theo quy định tại Nghị định số 06/2011/NĐ-CP, mức chuẩn trợ cấp xã hội là 180.000 đồng/người/tháng, cao gấp 1,5 lần so với quy định của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13.4.2007 của Chính phủ. Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ xem xét tiếp tục nâng mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi nói riêng và các đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian tới.

Cử tri Tây Ninh còn đề nghị Chính phủ lấy tiêu chí đánh giá chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn của khu vực hoặc theo chuẩn quốc tế để đảm bảo sự ổn định khi đánh giá chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm. Về vấn đề này, theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, tiêu chí đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo được xác định dựa vào phương pháp tính toán chi phí cho các nhu cầu tối thiểu của con người. Đây là một trong các phương pháp được các tổ chức quốc tế nghiên cứu và khuyến nghị áp dụng cho các nước đang phát triển. Theo đó, mức năng lượng tối thiểu bình quân một người một ngày được sử dụng trong việc tính toán chuẩn nghèo là 2.100Kcal, đây là mức năng lượng thiết yếu được khuyến nghị bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cho những người dân sống trong các nước đang phát triển, một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines cũng đang áp dụng mức năng lượng tối thiểu này. Việc tính toán chuẩn nghèo cũng được dựa vào thành phần dinh dưỡng của thức ăn Việt Nam do Viện Dinh dưỡng cung cấp và dựa trên số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện để tính chuẩn nghèo. Rổ hàng lương thực, thực phẩm gồm tất cả các mặt hàng với khối lượng tiêu dùng cung cấp vừa đủ 2.100 Kcal/ người/ngày; rổ hàng hoá để làm cơ sở xây dựng chuẩn nghèo bao gồm 58 nhóm hàng (trong đó: 44 nhóm hàng có đầy đủ lượng và giá, 14 nhóm hàng không có lượng); sử dụng một rổ hàng hoá áp dụng chung cho cả khu vực thành thị và nông thôn (với cơ cấu lượng hàng tiêu dùng như nhau, thể hiện sự ưu tiên cho khu vực nông thôn), nhưng giá tính riêng cho từng khu vực.

Theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011- 2015 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, bắt đầu từ ngày 01.01.2011, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống. Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 - 520.000 đồng/người/tháng. Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 - 650.000 đồng/người/tháng. Tính theo sức mua tương đương (PPP) chuẩn nghèo của chúng ta hiện nay khoảng 1,610 USD/người/ngày ở khu vực thành thị và 1,288 USD/người/ngày ở khu vực nông thôn. Theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, chuẩn nghèo của các quốc gia phải cao hơn mức sống cùng cực là 1,25 USD/người/ngày (PPP), đây là chuẩn nghèo trung bình quốc gia của 15 nước nghèo nhất hiện nay.

Vì vậy, chuẩn nghèo của Việt Nam hiện nay đã cao hơn mức sống cùng cực và nếu nhìn nhận trong bối cảnh chúng ta đang là nước có mức thu nhập trung bình thì chuẩn nghèo mới ban hành là phù hợp với tình hình thực tế và không thấp hơn so với thế giới.

Theo BTNO

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây