Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà báo cáo cho biết: Theo kế hoạch năm 2012, vụ Đông Xuân có 49.290 ha đất nông nghiệp được cung cấp nước tưới (Tây Ninh 38.000 ha, TP. Hồ Chí Minh 11.290 ha); vụ Hè Thu có 46.690 ha (Tây Ninh 36.000 ha); vụ mùa có 47.640 ha (Tây Ninh có 36.000 ha). Hồ Dầu Tiếng còn xả nước đẩy mặn – ngọt hoá vùng hạ du ven sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông (các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TP. Hồ Chí Minh), diện tích 41.000 ha/vụ.
Ngoài ra, hồ Dầu Tiếng còn cung cấp nước phục vụ công nghiệp và sinh hoạt 111,167 triệu m3. Trong đó, riêng Nhà máy nước Tân Hiệp (TP. Hồ Chí Minh) tiêu thụ đến 100 triệu m3, còn lại là Tây Ninh. Kết quả, vụ Đông Xuân vừa qua và vụ Hè Thu được cung cấp nước tưới đạt kế hoạch. Nước phục vụ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt được cung cấp đủ cho các địa phương như dự kiến.
![]() |
Hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng đang trong mùa tích nước |
Về bảo vệ, quản lý hồ Dầu Tiếng, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà cho biết: Hiện các công trình chính, phụ thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng bảo đảm vận hành tốt, an toàn khi hồ tích nước đến cao trình tối đa cho phép (24,4m). Tuy nhiên, năm 2012 được dự báo tình hình thiên tai diễn biến phức tạp nên Công ty đã chủ động chuẩn bị ứng phó với những nguy cơ trong mùa mưa bão, chuẩn bị các phương án xử lý sự cố, vật tư, phương tiện, lực lượng…
Cùng quan điểm với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà, nhiều ý kiến của đại biểu dự họp đề nghị Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ NN&PTNT xem xét việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ Dầu Tiếng – Phước Hoà, quy trình vận hành liên hồ đối với các hồ trên sông Sài Gòn. Hiện nay, do hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà nằm trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP. Hồ Chí Minh) nên việc bảo vệ công trình này được thực hiện căn cứ vào địa giới hành chính, dẫn đến nhiều hạn chế trong quản lý, bảo vệ công trình thuỷ lợi quốc gia này. Do đó, cần xây dựng quy chế phối hợp chung giữa các đơn vị quản lý chuyên ngành, các xã, huyện, tỉnh trong đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.
Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà kiến nghị Bộ NN&PTNT tạo điều kiện cấp vốn để sớm triển khai thi công thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà (công trình đầu mối, kênh chính Tây, kênh tiêu Phước Hội – Bến Đình, kênh dẫn sau tràn xả lũ...). Mặt khác, để bảo đảm nguồn nước trên kênh Tây không bị ô nhiễm, lòng kênh ít rong, bèo và giải quyết tình trạng ngập úng thì cần phải “ngăn chặn” nguồn nước từ suối Xa Cách đổ vào kênh Tây. Để giải quyết vấn đề này, cần phải làm một tuyến kênh tiêu dọc theo kênh Tây đến vị trí K9. Tại đây, xây dựng cống tiêu luồn và dẫn nước trực tiếp vào kênh tiêu Phước Hội – Bến Đình, đổ ra sông Vàm Cỏ Đông.
Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà cũng kiến nghị các địa phương phối hợp, hỗ trợ Công ty trong việc bảo vệ, quản lý hồ, giữ an ninh trật tự và bảo vệ môi trường hồ Dầu Tiếng trước nhiều nguy cơ ô nhiễm, xâm hại như nạn khai thác cát “chui”, nước thải độc hại từ các cơ sở sản xuất xả ra nguồn nước dẫn vào hồ, tình trạng nuôi thuỷ sản tự phát…
Tham dự cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thuỷ phát biểu nêu lên một số biện pháp cần thiết trong quản lý, bảo vệ và khai thác hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương tăng cường hợp tác, hỗ trợ để cùng bảo vệ hồ nước quan trọng này, xem đó là trách nhiệm quan trọng chung của các địa phương cũng như cơ quan trực tiếp quản lý hồ. “Hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà có sự tác động quan trọng đến các địa phương xung quanh. Nếu để ra sự cố nguy hiểm, thì các địa phương đều chịu ảnh hưởng tiêu cực” - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nói.
(Theo BTNO)
Ý kiến bạn đọc