![]() |
Người dân đang chọn mua quần áo tại “shop thời trang” ở chợ xã Biên Giới. |
Chợ xã Biên Giới huyện Châu Thành chỉ với vài chục sạp hàng, nhưng bày bán khá đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng. Hằng ngày, chợ họp từ sáng sớm đến khoảng 11 giờ trưa. Cô Ngọc- chủ một “shop thời trang” trong chợ cho biết: “khoảng 5 giờ sáng thì các tiểu thương bày hàng hoá ra bán, chợ chỉ đông vào tầm 7 giờ cho đến 10 giờ sáng”. “Shop thời trang” của cô Ngọc bán khá nhiều những bộ quần áo trẻ em từ 1-2 tuổi đến hơn 10 tuổi, đa số là hàng Việt Nam, người mua cũng khá nhiều. Chị Thanh- một người dân đi chợ cho biết “hàng Việt Nam, nhiều kiểu dáng màu sắc rất đẹp, mà giá cả lại phù hợp”. Chị Thanh vừa chọn mua 3 bộ đồ bộ cho con gái 8 tuổi, giá chỉ có 40.000 đồng/bộ. Đi cùng chị Thanh là chị Lệ cũng vừa mua cho đứa con trai một bộ đồ “made in Việt Nam” để mặc Tết. Cô Ngọc- chủ gian hàng chia sẻ: “Hiện nay, hầu hết người dân nông thôn khi đến mua quần áo đều chọn hàng Việt Nam, vừa đẹp lại vừa rẻ. Mỗi ngày tôi bán được không dưới 10 bộ, lời không nhiều nhưng cũng sống được”.
Ngoài quần áo, những loại hàng hoá khác như bánh, kẹo, nước ngọt, mì gói, giày, dép… đều được các tiểu thương lấy hàng có nguồn gốc trong nước. Một tiểu thương bán bánh, kẹo nói: “Ngay cả bánh, mứt bán dịp Tết cũng lấy từ chợ Thị xã, có xuất xứ trong nước. Bây giờ bà con ngại ăn bánh, kẹo ngoại lắm- nhất là hàng Trung Quốc”.
Rõ ràng, tuy chỉ cách biên giới Campuchia không xa, nhưng hàng Việt Nam vẫn chiếm đa số ở ngôi chợ này. Theo người dân nơi đây, hàng hoá xuất xứ ngoại quốc đưa về từ Campuchia có giá cao hơn hàng nội, lại không có căn cứ đảm bảo về chất lượng nên người dân không dám chọn lựa để sử dụng.
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc