Chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Chưa đủ yên tâm

Thứ sáu - 04/01/2013 00:00 21 0
Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 118 cơ sở tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em. Riêng ở cấp tỉnh có 5 cơ sở. Trung tâm Học tập sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh khai trương hoạt động vào nửa cuối năm 2012 đã góp phần nhất định trong việc đáp ứng nhu cầu hoạt động vui chơi của các em.

 

Chăm sóc, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của mọi người.

 

Tuy nhiên phải nhìn nhận một thực tế rõ ràng là ở Tây Ninh hiện nay, các khu vui chơi, giải trí dành cho thanh thiếu nhi có rất ít so với các điểm vui chơi dành cho người lớn. Và hầu hết các cơ sở vui chơi, giải trí trẻ em đều chưa thật sự thu hút trẻ em. Nhiều cơ sở vẫn “bền bĩ tồn tại” với những trang thiết bị phục vụ trò chơi cũ kỹ, nhàm chán, không đủ sức hấp dẫn trẻ. Nhiều ngành chức năng cũng đang cố gắng duy trì các phong trào hoạt động văn hoá văn nghệ dành cho thiếu nhi như hội thi Hoa Phượng Đỏ, thi đọc sách, kể chuyện, vẽ tranh… Tiếc rằng có những hội thi qua nhiều năm đã đi vào lối mòn, không còn sức lôi cuốn các em. Đang trong lứa tuổi thích tìm tòi, khám phá những trò vui mới lạ, các em đã tự tìm đến những thú vui mà người lớn rất khó quản lý, kiểm soát. Sớm tiếp xúc với những niềm vui không lành mạnh qua trò chơi điện tử, qua mạng internet… các em dễ bị ảnh hưởng xấu về mặt tâm sinh lý. Đáng sợ nhất là tình trạng lệch lạc tư tưởng dẫn đến phạm tội ở tuổi vị thành niên. Theo số liệu ghi nhận, chỉ tính từ năm 2010 đến năm 2012, toàn tỉnh Tây Ninh đã có tới 1.948 trẻ em vi phạm pháp luật.

“Sân chơi cho trẻ em ở tỉnh còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi cho các em”- ông Nguyễn Thảo- Phó chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn thừa nhận như vậy nhân đợt kiểm tra vừa qua của Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội về thực hiện các mục tiêu chăm sóc, bảo vệ trẻ em giai đoạn 2010- 2012.

Cũng vì thiếu sân chơi mà tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích đã xảy ra đáng phải báo động. Từ năm 2010 đến 2012, toàn tỉnh Tây Ninh có 4.147 trẻ bị tai nạn, thương tích, trong đó có 20 trường hợp tử vong. Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn giao thông, bị súc vật, côn trùng tấn công, bị đuối nước, bỏng lửa… và cả tai nạn lao động. Cũng phải nhìn nhận rằng sự lơ là, thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh cũng là nguyên do dẫn đến tai nạn đáng tiếc cho các em. Riêng về tình trạng trẻ em bị bạo hành, bị ép lao động nặng nhọc nay đã được kéo giảm nhờ những cố gắng của các ngành có liên quan nhưng nhìn chung vẫn còn là hiện tượng đáng phải bận tâm, lo lắng.

Theo số liệu của ngành Giáo dục, hiện tỷ lệ bỏ học của học sinh bậc trung học phổ thông trong tỉnh đang ở mức 4-5% mỗi năm. Tình trạng bỏ học tại các vùng đô thị, khu vực gần các khu công nghiệp có xu hướng tăng cao hơn các vùng nông thôn. Ngành Giáo dục đã yêu cầu các trường tăng cường phụ đạo, đổi mới phương pháp dạy và học, giáo viên quan tâm theo dõi những học sinh có nguy cơ nghỉ học để kịp thời vận động, “giữ chân” các em. Tuy nhiên, tình hình học sinh bỏ học vẫn còn khá nan giải.

 Ngành Y tế trong thời gian qua đã thực hiện cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, đạt tỷ lệ 99,2% và tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng cho trẻ. Tuy nhiên, điều băn khoăn là việc cấp thẻ Bảo hiểm y tế có thực sự đến với tất cả trẻ em không? Đồng thời việc kiểm soát số liệu về chăm sóc sức khoẻ cho trẻ chỉ mới thực hiện ở cơ sở y tế công, còn ở các cơ sở y tế tư nhân thì vấn đề hiện đang bỏ ngỏ.

Về đối tượng trẻ nhiễm HIV, nếu tính cả số trẻ đang điều trị ở thành phố Hồ Chí Minh sắp được trả về địa phương thì tổng số trẻ nhiễm HIV của Tây Ninh là gần 170. Đây cũng là vấn đề đáng lưu tâm, làm sao để các em có thể hoà nhập với cộng đồng, được chăm sóc tốt như trẻ bình thường?

Nói cho công bằng, những năm qua, Tây Ninh được nhìn nhận là một trong những địa phương thực hiện tốt chính sách chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Hằng năm, tỉnh đều dành nguồn kinh phí lớn cho các hoạt động vì trẻ em. Các nguồn lực xã hội cũng đóng góp rất tích cực cho công tác này, đặc biệt là việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khuyết tật, trẻ có nguy cơ lang thang. Đó cũng là những nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng so với tình hình thực tế thì vẫn còn có khoảng cách không nhỏ.

Theo BTNO

 

  Ý kiến bạn đọc

Thông báo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây