![]() |
Học trò vùng sâu huyện Trảng Bàng trong giờ chơi. Ảnh minh hoạ |
Theo lời kể của soạn giả Thanh Hiền, thì bút danh Cửu Long Thi có nguồn gốc từ một câu chuyện trong thời chống Mỹ. Nó gắn liền với bài ca vọng cổ có tựa đề “Uất hận ở trường Cầu Xe”. Đây là tác phẩm viết về sự kiện đau thương ngày 18.3.1963, tại ấp Cầu Xe, xã Đôn Thuận (nay thuộc xã Hưng Thuận), huyện Trảng Bàng. Đó là ngày mà giặc Mỹ dùng đạn bom giết hại các học sinh của Trường tiểu học Cầu Xe- một hành động tội ác man rợ, khiến cho 11 học sinh từ 8 đến 13 tuổi phải vĩnh viễn ra đi.
Chiều hôm đó, khi theo đoàn văn công Tây Ninh đi phục vụ ở huyện Củ Chi, về lại căn cứ ở Bời Lời, ông Lê Văn Tư và soạn giả Xuân Phát đã chứng kiến cảnh tượng hãi hùng đó. Bài ca “Uất hận ở trường Cầu Xe” do Xuân Phát viết dang dở, sau giao lại cho ông Tư chỉnh sửa và viết tiếp cho trọn bài. Khi viết xong, ở phần tên tác giả, ông ghi là “Của Văn Tư” nhưng khi giao qua cho bộ phận đánh máy không hiểu tam sao thất bổn thế nào mà ba chữ “Của Văn Tư” thành ra Cửu Long Thi. Thời đó, người sáng tác ít khi quan tâm đến chuyện bút danh, chỉ chú trọng sao cho tác phẩm có thể đi vào cuộc sống, phục vụ cách mạng. Vì thế, cái tên Cửu Long Thi nhầm lẫn ấy vẫn được để nguyên dưới các sáng tác về sau của Lê Văn Tư. Sau đây, xin trích giới thiệu đôi nét về bài ca vọng cổ: “Uất hận ở trường Cầu Xe”.
Nói lối: Hỡi ôi, ai chứng kiến cảnh hãi hùng thê thảm/ Giặc Mỹ giết người tàn bạo thê lương/ Dùng đạn bom bắn vãi xuống ngôi trường/ Với ý định cho nhân dân cùng khổ.
Vọng cổ: Chiều mùa hạ long trời vang tiếng nổ, trường Cầu Xe sụp đổ… tan tành. Trong khi hai chiếc khu trục cơ đang đe doạ hoành hành. Như ý muốn chà đạp lên ngôi trường và cấu xé từng quả tim non. Hoả tiễn bay, bức tường sụp đổ, gạch ngói vô tình đè bẹp thiếu nhi. Mười hai em nhỏ có tội tình chi, mà phải chịu đầm đìa nằm trên vũng máu…
Và đây là đoạn kết: Cầu Xe nay đã vắng rồi/ Còn đâu tiếng nói, tiếng cười các em/ Dừng chân trước cảnh tang thương/ Trường xưa bóng cũ các em không còn.
Bài ca vọng cổ “Uất hận ở trường Cầu Xe” là một trong các tác phẩm của tác giả Cửu Long Thi, đã được đề nghị xét tặng giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh lần I.
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc