-
09/01/2013 12:00:00 AM
-
Đã xem: 209
-
Phản hồi: 0
Theo quy định hiện hành, mỗi năm học giáo viên mầm non làm việc 42 tuần, trong đó có 35 tuần chuyên môn, 7 tuần còn lại cho các công tác khác. Đối với những trường mầm non dạy hai buổi/ngày, giáo viên làm việc 6 giờ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở những trường này, giáo viên mầm non đang phải làm việc gần gấp đôi số giờ quy định- khoảng 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Chỉ cần lấy tổng số tuần làm việc trong một năm học nhân với số giờ thừa mỗi ngày là biết ngay các cô bị “quá tải” đến mức nào. Tính ra, các cô phải thực hiện đến 1.750 giờ, trong khi số giờ theo quy định chỉ là 1.050 giờ. Như vậy mỗi năm học, giáo viên mầm non dạy hai buổi/ngày phải dạy vượt tiết đến 700 giờ công lao động. Trong khi đó, cũng theo các quy định hiện hành (cụ thể là Luật Lao động và các văn bản khác của Bộ Giáo dục- Đào tạo và liên bộ), mỗi năm giáo viên không được dạy vượt quá định mức 200 giờ. Điều này có nghĩa là, nếu như vượt định mức từ 200 giờ trở xuống, giáo viên mới được thanh toán tiền, còn quá con số 200 giờ thì… không được tính. Có thể thấy mỗi năm, giáo viên mầm non phải làm không công đến 500 giờ. Tuỳ theo thâm niên công tác, mỗi tiết dạy của giáo viên được tính khác nhau. Nếu như lấy bình quân chỉ khoảng 80.000 đồng/tiết (thực tế còn cao hơn nhiều, vì số tiền thanh toán cho mỗi tiết thừa giờ được tính bằng 150% tiết dạy chính thức) thì ít nhất, mỗi năm mỗi giáo viên mầm non sẽ phải chịu thiệt khoảng từ 40 đến 60 triệu đồng. (Đây chỉ là một cách tính có tính chất minh hoạ cho dễ hiểu).