UBND TỈNH TÂY NINH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆTNAM |
|
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
|
Tây Ninh, ngày … tháng … năm 2012 |
THỂ LỆ HỘI THI SÁNG TẠO KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
TỈNH TÂY NINH NĂM 2012 – 2013
Căn cứ Quyết định số 61/QĐ-UBND, ngày 12 tháng 01 năm 2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh về việc Quyết định thành lập Ban tổ chức Hội thi sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh năm 2010-2015. Ban tổ chức Hội thi thống nhất ban hành Thể lệ Hội thi lần thứ 8 (2012-2013); bao gồm những nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA
Hội thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh (sau đây gọi tắt là Hội thi) nhằm phát huy và khuyến khích các hoạt động sáng tạo của mọi tổ chức, cá nhân, tạo môi trường để trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và chuyển giao công nghệ, tìm kiếm và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
II. CƠ QUAN TỔ CHỨC:
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Sở Khoa học và Công nghệ. Liên đoàn lao động tỉnh và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh là cơ quan thường trực.
III. NỘI DUNG VÀ LĨNH VỰC THI:
A/ Nội dung thi:
+ Sáng tạo Khoa học (STKH):
Dành cho các Đề tài và Dự án khoa học - công nghệ (gọi tắt là Đề tài) trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và khoa học xã hội - nhân văn được thực hiện từ ngày 01/01/2006 trở lại đây, đã được nghiệm thu cấp đơn vị, sở, ngành, huyện, thị xã (gọi chung là cấp cơ sở) và cấp tỉnh/thành (do HĐNT cấp tỉnh/thành nghiệm thu) và cấp Trung ương (Bộ, Ngành TW nghiệm thu) đạt yêu cầu trở lên, chưa đạt giải qua các kỳ hội thi của địa phương và Trung ương.
Các Đề tài nói trên phải được ứng dụng, nhân rộng tại tỉnh Tây Ninh, giải quyết được các vấn đề bức xúc, đột phá nhằm góp phần cải tiến, nâng cao hiệu quả quản lý, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đơn vị, sở ngành và của tỉnh.
+ Sáng tạo kỹ thuật (STKT):
Dành cho mọi giải pháp kỹ thuật được thực hiện từ ngày 01/01/2006 trở lại đây phải được phổ biến, nhân rộng, ứng dụng tại tỉnh Tây Ninh dưới dạng các cơ cấu (dụng cụ, máy móc, trang thiết bị, sản phẩm…), các chất liệu (nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, phụ gia, chất xúc tác, các chất có liên quan đến thực phẩm và các chủng vi sinh vật…), các phương pháp (quy trình gia công, quy trình chế biến, quy trình lắp ráp, quy trình canh tác…) đã được áp dụng vào thực tiễn hoặc đã được thực nghiệm thành công và đủ thông số chi tiết để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Các giải pháp kỹ thuật phải giải quyết các vấn đề bức xúc của các ngành, các cấp, các đơn vị nhằm cải tiến hệ thống, thiết bị, dây chuyền sản xuất; tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả quản lý…, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đơn vị, địa phương và của tỉnh.
B./ Lĩnh vực dự thi:
1. Lĩnh vực Công nghiệp:
- Đổi mới công nghệ; Sản xuất mới; Cải tiến các máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất và đời sống, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất.
- Các phương pháp về cơ khí hóa nông nghiệp nông thôn, bảo quản chế biến các loại nông sản, thực phẩm.
- Các phương pháp phục vụ cải tạo và nâng cấp mạng lưới điện, nước…
2. Lĩnh vực Nông nghiệp:
- Ứng dụng công nghệ sinh học trong công tác giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, động vật, công tác thú y và các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp.
- Các giải pháp tăng năng suất, tăng hiệu quả cạnh tranh các loại cây trồng, vật nuôi, các biện pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp.
3. Lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo:
Đồ chơi phục vụ cho nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em và đồ dùng, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học.
Phương pháp quản lý đào tạo, giáo dục và giảng dạy.
4. Lĩnh vực Y tế, bảo vệ sức khỏe:
Cải tiến, chế tạo và ứng dụng các trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Phương pháp phòng, trị bệnh,.
5. Lĩnh vực Môi trường:
- Các giải pháp, mô hình quản lý, thu gom tái chế, xử lý các chất thải trong công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, y tế, sinh hoạt. Các giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
- Các công nghệ xử lý chất thải, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, sản xuất sạch hơn.
6. Lĩnh vực Xây dựng – Giao thông – Thủy lợi:
- Phương pháp thi công các công trình xây dựng dân dụng, công trình giao thông an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
- Sử dụng vật liệu, kết cấu mới trong xây dựng, giao thông, ..
7. Lĩnh vực Công nghệ thông tin:
- Các chương trình phần mềm phục vụ cho quản lý hoặc giải quyết các vấn đề kỹ thuật của những lĩnh vực khác nhau.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và trong sản xuất kinh doanh.
8. Lĩnh vực Tổ chức và Quản lý:
Các giải pháp tổ chức và quản lý kỹ thuật; quản lý Nhà nước; phục vụ quản lý Nhà nước mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, trật tự an ninh xã hội, chống lãng phí, chống tiêu cực, thực hành tiết kiệm…
IV. ĐỐI TƯỢNG DỰ THI:
1. Mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc trong và ngoài tỉnh Tây Ninh, không phân biệt lứa tuổi, thành phần, dân tộc, nghề nghiệp,… là người tạo ra giải pháp/đề tài khoa học (tác giả/đồng tác giả của giải pháp/đề tài khoa học) hoặc tạo ra giải pháp/đề tài khoa học khi thực hiện nhiệm vụ của một tổ chức giao phó và được tổ chức đó cho phép bằng văn bản đứng tên dự thi với tư cách cá nhân.
2. Mọi cơ quan, đơn vị và tổ chức kinh tế - xã hội, ở trong và ngoài tỉnh Tây Ninh, hoạt động theo pháp luật Việt Nam, đều có quyền đứng tên đăng ký dự thi với tư cách là tác giả của giải pháp/đề tài khoa học.
V. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ:
1.Tính sáng tạo:
Giải pháp/đề tài dự thi không trùng hoặc tương tự với những Giải pháp/đề tài đã được công bố giải thưởng các loại ở các kỳ Hội thi của tỉnh Tây Ninh và của Trung ương (tính điểm: hệ số 3);
2. Hiệu quả:
Giải pháp/đề tài mang lại lợi ích kinh tế - xã hội có mức cao hơn so với các giải pháp/đề tài tương tự đã biết ở Tây Ninh. Không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội; (tính điểm: hệ số 4)
3. Khả năng áp dụng:
Giải pháp/đề tài đã được áp dụng hoặc đã được thử nghiệm, sản xuất thử và được chứng minh khả năng áp dụng có hiệu quả. (tính điểm: hệ số 3)
VI. HỒ SƠ DỰ THI (trình bày trên khổ giấy A4)
Mỗi giải pháp/đề tài khoa học dự thi phải làm 07 bộ hồ sơ dự thi (mỗi bộ gồm có:
1. Phiếu dự thi (theo mẫu).
2. Bản mô tả giải pháp/đề tài dự thi:
- Tên giải pháp/đề tài dự thi (ghi như tên đăng ký trong phiếu đăng ký dự thi).
- Mô tả giải pháp/đề tài đã biết (nếu có), mô tả ngắn gọn các giải pháp/đề tài đã biết trước ngày tạo ra giải pháp/đề tài pháp dự thi, đặc biệt cần nêu rõ những nhược điểm cần khắc phục của giải pháp/đề tài đó.
- Mô tả giải pháp/đề tài dự thi, thuyết minh tính sáng tạo của giải pháp/đề tài dự thi, mô tả ngắn gọn, nhưng đầy đủ và rõ ràng toàn bộ nội dung của giải pháp/đề tài dự thi. Đặc biệt, cần nêu rõ đã khắc phục nhược điểm nào, sáng kiến cải tiến những chi tiết nào của giải pháp/đề tài đã biết (nếu có) hoặc những sáng tạo hoàn toàn mới.
- Khả năng áp dụng được chứng minh thông qua các hợp đồng chuyển giao, hợp đồng sản xuất thử, hợp đồng bán hoặc hóa đơn bán.hàng.
- Lợi ích kinh tế - xã hội của giải pháp dự thi được đánh giá bằng cách so sánh với những giải pháp/đề tài tương tự đã biết. Cần nêu rõ những chỉ tiêu kinh tế mà giải pháp/đề tài dự thi mang lại cao hơn giải pháp/đề tài đã biết hoặc nêu rõ những khiếm khuyết đã được khắc phục của những giải pháp/đề tài đã biết mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh xã hội
- Bản mô tả giải pháp/đề tài kèm theo bản vẽ, sơ đồ, hình ảnh có tính toán minh họa.
3. Toàn văn giải pháp/đề tài dự thi: Cần nêu cụ thể quá trình từ khi bắt đầu thực hiện đến khi hoàn thành giải pháp/đề tài. Các tác giả có thể gửi kèm theo mô hình, sản phẩm chế thử, sơ đồ công nghệ và các tài liệu liên quan(nếu thấy cần thiết). Các tài liệu cần trình bày rõ ràng, không tẩy xoá.
4. Bản nhận xét, đánh giá của các cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc hội đồng khoa học của đơn vị, ngành, điạ phương. Kèm theo bản nhận xét này phải có biên bản ghi nhận kết quả thử nghiệm, đánh giá hoặc chứng cứ xác thực sản xuất đại trà (nếu có).
VII. NƠI NHẬN ĐĂNG KÝ HỒ SƠ:
- Đăng ký và nộp hồ sơ từ ngày công bố Thể lệ Hội thi đến hết ngày 30/7/2013.
- Địa chỉ đăng ký và nộp hồ sơ:
1/ Liên Hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh.
Số 081, đường Lê Lợi, phường II,thị xã Tây Ninh. ĐT: 066.3815327
Email: tusta.tayninh@gmail.com
2/ Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh
Số 624, đường 30/4, khu phố 1, phường 3, thị xã Tây Ninh. ĐT: 066.3822232
3/ Tỉnh đoàn tỉnh Tây Ninh.
Số 207, đường 30/4, khu phố 3, phường II, thị xã Tây Ninh. ĐT: 066.3822230.
4/ Phòng Thông tin- Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh
Số 211, đường 30/4, , Khu phố 3, phường II, thị xã Tây Ninh.
Điện thoại: 066.3824425 – Fax: 066.3827654 – Email: kcmtninh@hcm.vnn.vn.
VIII. GIẢI THƯỞNG:
Cơ cấu giải thưởng của Hội thi như sau:
Giải nhất: 15.000.000đ/giải.
Giải nhì: 10.000.000đ/giải.
Giải ba: 7.000.000đ/giải.
Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 3.000.000đ/giải.
Mọi chi tiết cần biết xin liên hệ: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh số 081, đường Lê Lợi, phường 2, thị xã Tây Ninh. ĐT: 066.3815327
Thể lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký quyết định ban hành. Trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì chưa phù hợp thường trực Ban thư ký Hội thi tổng hợp và trình Ban tổ chức Hội thi xem xét sửa đổi cho phù hợp thực tế.
TM. BAN TỔ CHỨC HỘI THI
CHỦ TỊCH LHH TỈNH
TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC HỘI THI
Văn phòng LHH
Ý kiến bạn đọc