Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự và chủ trì tại điểm cầu Tây Ninh có đồng chí Nguyễn Hồng Thanh – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm 2025, nền kinh tế nước ta đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Năm 2025, tổng số vốn Ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết nghị hơn 829.365 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương hơn 825.922 tỷ đồng.
Đến ngày 30/4/2025, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2025 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án hơn 817.968 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương (NSTƯ) là 342.881 tỷ đồng, đạt 97,9%; vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 475.087 tỷ đồng, đạt 99,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đến ngày 30/4/2025 uớc thanh toán là 128.500 tỷ đồng, đạt 15,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2024 hơn 18.000 tỷ đồng. Trong đó, có 10 Bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công được thực hiện nghiêm túc quyết liệt, đặc biệt là cải cách thể chế; các điểm nghẽn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công được tập trung giải quyết. Vốn đầu tư công được bố trí tập trung, tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí; trong đó, vốn ngân sách trung ương tập trung vào các dự án trọng điểm quôc gia, dự án đường cao tốc, liên vùng, tạo động lực mới, không gian mới phát triển kinh tế, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh quôc gia. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thành lập các Tổ công tác thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công theo quy định; công tác kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án, được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, minh bạch.
Tại Tây Ninh, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ giao là 6.010 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao là 6.017 tỷ đồng. Đến ngày 30/4/2025 đã giải ngân 854 tỷ đồng, đạt 14,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 14,2% HĐND tỉnh giao. Ước đến 31/5/2025, giải ngân 1.807 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ và 30% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Tây Ninh đã giao 100% kế hoạch vốn nguồn NSNN, các nguồn vốn được phân khai, các đơn vị sở, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức triển khai thi công các dự án; công tác quyết toán các dự án đã hoàn thành được đẩy mạnh. UBND tỉnh thường xuyên theo dõi tình hình giải ngân của các dự án trên địa bàn tỉnh; kịp thời chỉ đạo, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Hiện tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo tạm dừng triển khai các dự án xây dựng mới, cải tạo sửa chữa trụ sở để thực hiện tiết kiệm ngân sách, chống lãng phí trong quá trình thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phân tích làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp và thể hiện quyết tâm thúc đẩy hoàn thành mục tiêu, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương có kết quả tích cực trong đầu tư công; cảm ơn Nhân dân đã đồng hành, nhường đất, góp công cho các dự án của quốc gia, góp phần xây dựng hạ tầng địa phương, giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng phân tích và nhấn mạnh một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm 06 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, chủ động, tích cực tổ chức thực hiện, thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc.
Việt Khoa
Ý kiến bạn đọc