Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra trên địa bàn 115 xã của 55 huyện thuộc 21 tỉnh, thành làm hơn 95.000 con gia cầm mắc bệnh, số chết và tiêu huỷ hơn 214.000 con. Theo thông báo của Bộ Y tế, trong 8 tháng đầu năm 2012, cả nước ghi nhận 4 ca nhiễm virus cúm A (H5N1), trong đó có 2 trường hợp tử vong. Hiện nay vẫn còn 7 tỉnh, thành gồm Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Quảng Ngãi và Hoà Bình có dịch chưa qua 21 ngày.
Dịch phát tán chủ yếu thông qua các hoạt động nuôi thuỷ cầm thả rông, chạy đồng, vận chuyển và buôn bán gia cầm không qua kiểm soát của Thú y.
Tại hầu hết các địa phương, dịch phát sinh rải rác, phần lớn trên đàn thuỷ cầm nuôi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Điều này cho thấy dịch phát tán chủ yếu thông qua các hoạt động nuôi thuỷ cầm thả rông, chạy đồng, vận chuyển và buôn bán gia cầm không qua kiểm soát của Thú y. Theo kết quả giám sát virus cúm trên gia cầm năm 2012 của Cục Thú y, các ổ dịch chủ yếu do virus cúm A (H5N1) nhánh 2.3.2.1 (nhóm A) gây nên. Tuy nhiên, từ tháng 7.2012 trở lại đây, đã xuất hiện một nhóm virus mới thuộc nhánh 2.3.2.1 (nhóm C), có độc lực cao và gây chết nhanh, chết nhiều thuỷ cầm. Nhánh virus này đang có xu hướng lây lan từ Bắc vào Nam, hiện đã phát hiện được nhóm virus này tại nhiều địa phương phía Bắc tới tỉnh Quảng Ngãi. Hiện vẫn chưa có vắc-xin phù hợp để phòng bệnh cúm gia cầm do nhánh 2.3.2.1 này gây ra. Vì vậy, nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh trong thời gian tới là rất cao.
Để ngăn ngừa các ổ dịch cúm phát sinh, đặc biệt là ngăn chặn không để virus cúm H5N1 nhánh 2.3.2.1 (nhóm C) xâm nhập địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao; phối hợp với chính quyền và các ban, ngành của địa phương xây dựng kế hoạch nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hoá chất để phòng dịch lây lan vào địa bàn và chủ động đối phó khi có ổ dịch xảy ra; triển khai "Tháng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm” (từ 1.10 đến 31.10.2012).
Đẩy mạnh công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm; thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT về tạm dừng kiểm dịch vận chuyển gia cầm sống từ các tỉnh phía Bắc vào Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum để ngăn ngừa lây lan virus cúm H5N1 nhánh 2.3.2.1 (nhóm C) vào các tỉnh phía Nam.
Vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh lây sang người; khai báo cho chính quyền địa phương hoặc nhân viên Thú y khi phát hiện gia cầm bệnh, chết không rõ nguyên nhân; hướng dẫn các biện pháp bảo vệ đàn gia cầm khoẻ mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu UBND các huyện, thị xã chỉ đạo cơ quan Thú y các cấp phối hợp với cơ quan Y tế, chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể của địa phương tăng cường công tác giám sát đến tận trại, hộ chăn nuôi gia cầm, tổ chức quản lý đàn vịt chạy đồng, lò ấp, cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh, chết nghi do cúm gia cầm để xử lý kịp thời; khuyến cáo người chăn nuôi gia cầm, các trang trại chăn nuôi gia cầm tự tiêm phòng, bảo vệ cho đàn gia cầm của mình.
UBND các huyện, thị xã chỉ đạo chính quyền cơ sở tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng. Riêng địa bàn nếu có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra, phải tổ chức quản lý chặt ổ dịch, nghiêm cấ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài vùng dịch, không để người dân bán chạy gia cầm làm lây lan dịch…
Bộ NN&PTNT đề nghị, đối với các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung và chăn nuôi hộ gia đình, thực hiện phát quang cây cỏ xung quang chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh, tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần. Đối với cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi ra khỏi cơ sở giết mổ. Nơi giết mổ phải được vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi ca sản xuất. Tại các chợ buôn bán gia cầm sống ở khu vực nông thôn, phải quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, khu vực giết mổ gia cầm và các vật dụng liên quan cuối mỗi buổi chợ. Phương tiện vận chuyển, lồng nhốt phải được phun khử trùng khi vào, ra khỏi chợ. |
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc