Xây dựng cơ bản: Hầu hết công trình chưa quan tâm khâu bảo trì

Thứ sáu - 28/12/2012 00:00 138 0
Khi tiến hành thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 để trình tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khoá VIII vừa qua, một trong những vấn đề được Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh quan tâm là về chất lượng công trình trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB). Bởi vì trong những năm gần đây nguồn vốn đầu tư và số lượng dự án đầu tư XDCB ngày càng nhiều, nhưng chất lượng công trình thì vẫn còn là điều đáng băn khoăn.

 

Gạch lát bờ rạch Tây Ninh bị lún sau khi hết thời gian bảo hành

 

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2012 kế hoạch tổng nguồn vốn đầu tư XDCB là 1.877,55 tỷ đồng. Đến cuối năm, khối lượng thực hiện ước được 1.898,62 tỷ đồng- đạt 101,12% so với kế hoạch năm. Như vậy, năm 2012 dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng lĩnh vực XDCB vẫn được các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đã được đặt ra là việc tổ chức quản lý chất lượng công trình trong lĩnh vực XDCB thực tế như thế nào? Ông Trương Văn Ngôn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết về lĩnh vực đầu tư XDCB thì quy trình về quản lý chất lượng công trình đã được quy định rõ ràng. Cụ thể gồm 5 khâu quan trọng là: khảo sát, thiết kế, thi công, bảo hành và bảo trì. Những năm trước đây, nhiều khâu trong quy trình quản lý chất lượng thực hiện chưa tốt, dẫn đến hậu quả là có một số công trình triển khai chậm, thời giai thi công kéo dài. Trong đó có những công trình không đảm bảo chất lượng là do khâu khảo sát, thiết kế chưa chính xác và khâu thi công có sai sót.

Trong những năm gần đây, qua việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng nên hầu hết các khâu trong quy trình quản lý chất lượng được thực hiện ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một khâu không kém phần quan trọng đối với chất lượng công trình nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm- đó là khâu bảo trì công trình sau khi đã hết thời gian bảo hành theo điều 33 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đánh giá của Sở Xây dựng, trong các ngành có khối lượng đầu tư XDCB lớn thì chỉ có ngành Giao thông Vận tải là có quan tâm đến khâu bảo trì công trình do ảnh hưởng đến sự đi lại hằng ngày của nhân dân. Tuy nhiên, số kinh phí thực tế đầu tư vào việc bảo trì giao thông không thấm gì so với nhu cầu thực tế. Cụ thể, tổng chiều dài đường bộ trong tỉnh hiện nay khoảng 4.757,5 km. Trong đó chiều dài đường quốc lộ do Trung ương quản lý là 116 km, đường do tỉnh quản lý là gần 750 km, đường do huyện, thị quản lý là hơn 1.000 km, còn lại gần 2.900 km là đường giao thông nông thôn do các xã, phường, thị trấn quản lý. Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải, để bảo trì các tuyến đường giao thông do tỉnh và các huyện, thị quản lý thì nhu cầu kinh phí đầu tư lên đến hơn 35 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên với nguồn kinh phí đầu tư chống xuống cấp trong những năm gần đây thì chỉ bảo trì được khoảng hơn 100 km đường mà thôi. Còn hầu hết các ngành còn lại, trong lĩnh vực XDCB hầu như chưa được quan tâm đến công tác bảo trì công trình sau khi hết thời gian bảo hành. Khâu bảo trì không được quan tâm thì nguồn kinh phí dành cho việc bảo trì không được bố trí.

Ở các huyện trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn về khâu bảo trì công trình. Trong những cuộc giám sát về lĩnh vực XDCB trước đây của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, lãnh đạo các huyện cho biết trong 5 năm qua hầu hết các công trình khi nghiệm thu đưa vào sử dụng đều đảm bảo chất lượng. Thế nhưng, riêng khâu bảo trì công trình theo Nghị định 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ thì tất cả các công trình trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng trong 5 năm qua đều không thực hiện do thiếu nguồn vốn cho khâu quản lý chất lượng này. Như vậy hiện nay trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn công trình XDCB được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng không hề lập quy trình bảo trì theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Chính vì thế mà có không ít công trình sau khi hết thời gian bảo hành có một vài hạng mục xuống cấp, nhưng do không có thiết kế quy trình bảo trì nên chủ sử dụng chỉ có cách lập văn bản xin cấp có thẩm quyền kinh phí sửa chữa. Có nơi thời gian xét duyệt kinh phí sửa chữa kéo dài, hậu quả là khi lập văn bản công trình chỉ mới có dấu hiệu xuống cấp, nhưng đến có kinh phí thì công trình đã xuống cấp nghiêm trọng hơn.

Theo lãnh đạo Sở Tài chính thì hằng năm Sở có bố trí một khoản chi ngân sách dành cho công tác bảo trì công trình trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do hồ sơ thiết kế bảo trì của rất nhiều công trình không được lập trước nên khoản chi bố trí cho công tác bảo trì hằng năm còn hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Trong thời gian tới, muốn nâng cao chất lượng công trình trong lĩnh vực đầu tư XDCB, ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát các khâu thiết kế, thi công, ngành chức năng còn tăng cường giám sát các chủ đầu tư và nhà thầu thi công trong việc lập hồ sơ thiết kế quy trình bảo trì công trình để được bố trí nguồn chi kịp thời khi cần thiết.

Theo BTNO

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây