Hướng tới giải thưởng Xuân Hồng lần I: Nhiếp ảnh gia thời kháng chiến

Thứ tư - 02/01/2013 00:00 106 0
Dỡ xem từng tấm ảnh của Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hồng Chương chụp được trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những ngày đầu Tây Ninh giải phóng mà tôi thầm cảm phục. Giữa khói lửa chiến tranh để có được những bức ảnh tư liệu có giá trị lịch sử như thế, quả là một sự lao động nghề nghiệp nghiêm túc và dũng cảm.

 

Chân dung ông Nguyễn Hồng Chương thời còn làm nhiếp ảnh

 

Tôi tìm gặp tác giả của những tấm ảnh quý giá ấy vào một ngày giữa tháng 12 vừa qua. Trong căn nhà ngói xưa ở cuối con hẻm nhỏ, thuộc ấp Cây Nính, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu, người chiến sĩ cách mạng 76 tuổi đã kể lại cho tôi nghe về quãng đời đáng nhớ nhất của ông…

Ông tên thật là Nguyễn Văn Mắc, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở làng quê An Tịnh, huyện Trảng Bàng. Tuổi thơ của ông không được nhìn thấy những cánh diều no gió trên bầu trời xanh. Thay vào đó là tiếng bom rền và những cột khói đen kịt bốc cao trên mảnh ruộng sau nhà. Hằng ngày chứng kiến cảnh bom cày đạn xới quê hương, trong lòng người con xứ Trảng đã hun đúc một mối căm thù giặc sâu sắc. Vì thế, khi mới 14 tuổi, cậu bé Nguyễn Văn Mắc đã giã biệt gia đình, đi theo cách mạng.

Cậu được đưa vào Tiểu đoàn 306 của tỉnh Gia Định Ninh (một phần của thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh bây giờ). Năm 18 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Mắc tập kết ra miền Bắc. Năm 1960, do nhu cầu cần lực lượng chụp ảnh để tuyên truyền cho chiến trường miền Nam, ông được đưa đi học nghề nhiếp ảnh. Học xong nghề, ông vào công tác ở một xưởng phim đèn chiếu. Đến năm 1963, ông về miền Nam, công tác ở Ban Tuyên huấn khu 6 (gồm các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng… ngày nay). Mùa hè đỏ lửa năm 1968, ông về Ban Tuyên huấn Tây Ninh.

Bức ảnh chụp nhân dân Thị xã xuống đường chào mừng quân Giải phóng tại cầu Quan

 

Nhiệm vụ chính của ông lúc bấy giờ là chụp ảnh. Với chiếc máy ảnh hiệu Rolleiflex của cơ quan, ông đi khắp nơi săn ảnh làm tư liệu lịch sử và cũng để sử dụng tuyên truyền trên báo. “Thời điểm đó, ở Tây Ninh, còn có anh Tư Thế cũng chuyên chụp ảnh cho Ban Tuyên huấn tỉnh”- nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Chương nhớ lại. Đến năm 1970, ông được chuyển về làm Trưởng Ban Tuyên huấn huyện Gò Dầu. Lúc đó, ông không còn làm nhiếp ảnh nữa nhưng vẫn quan hệ thân thiết với phóng viên ảnh Tư Thế. Vì vậy, khi nào trong tỉnh xảy ra những sự kiện quan trọng, cần chụp ảnh nhiều nơi, nhiều góc độ, ông Tư Thế lại gọi ông lên hỗ trợ. Nhờ thế ông mới có được nhiều tấm ảnh mang giá trị lịch sử cao như: Căn cứ Tiên Thuận của nguỵ (xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu), bị quân giải phóng đánh chiếm năm 1974; Chiến lợi phẩm thu được ở Cầu Sắt (huyện Dương Minh Châu); Nhân dân Thị xã xuống đường chào mừng quân giải phóng; Mít tinh mừng giải phóng ở bến xe Thị xã; Mừng giải phóng Thị xã trên đường Gia Long vv…vv…

Sau ngày đất nước hoà bình thống nhất, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hồng Chương tiếp tục công tác ở Ban Tuyên giáo huyện Gò Dầu. Đến năm 1981, ông về nghỉ hưu ở ấp Cây Nính, xã Phước Trạch. Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng từ đó đến nay, ông vẫn là uỷ viên của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Phước Trạch. Mỗi khi UBND xã cần góp ý những vấn đề quan trọng đều mời ông đến và ông cũng sẵn sàng đóng góp ý kiến, tư vấn cho lãnh đạo xã. Nhắc về việc bản thân ông được xét trao giải thưởng văn học nghệ thuật của tỉnh sắp tới, nhiếp ảnh gia thời kháng chiến Nguyễn Hồng Chương tỏ ra phấn khởi: “Nay tôi đã già rồi mà vẫn còn được Đảng và Nhà nước nhớ tới, trao giải thưởng, tôi rất mừng”.

Ông Chương được UBND xã cấp 0,3 ha đất nông nghiệp để làm ăn sinh sống. Nhờ mảnh đất này mà ông có điều kiện nuôi vợ và 4 người con. Các con của ông đã có gia đình, trong đó 3 người con gái đã ra riêng. Vợ chồng ông sống chung với vợ chồng người con trai út.

Nhiếp ảnh gia thời kháng chiến nay đã có 6 cháu ngoại, 2 cháu nội. Hiện mức lương hưu của ông được hơn 3 triệu đồng/tháng. Tuổi đã cao, sức khoẻ của ông cũng không được tốt. Ông hay bị cao huyết áp và thường xuyên phải nằm bệnh viện điều trị.



Theo BTNO

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây